Bộ Công Thương yêu cầu Grab giải trình chi tiết về việc thu phụ phí nắng nóng trước ngày 18/7, song hãng xe công nghệ này xin lùi thời hạn báo cáo vào cuối tháng.

Grab thu phụ phí nắng nóng: Tài xế không hứng thú, người dùng ngao ngán

Trước đó vào ngày 11/7, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (thuộc bộ Công Thương) đã có văn bản đề nghị Grab cung cấp thông tin, tài liệu bao gồm danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị, theo báo Thương Trường.

Đồng thời, Grab phải cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ tính phí, cơ sở và tiêu chí áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí, phụ phí giữa Grab và tài xế…).

Grab thông báo áp dụng phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt (ảnh chụp màn hình app Grab).

Nguyên nhân do vào ngày 6/7, Grab thông báo áp dụng phụ phí nắng nóng đối với nhiều thành phố, tỉnh thành tùy theo từng dịch vụ. Ví dụ, tại TP. HCM và Hà Nội, Grab thu thêm 3.000 đồng đối với dịch vụ GrabExpress (giao hàng) và 5.000 đồng đối với dịch vụ GrabBike (di chuyển), GrabFood (giao đồ ăn), GrabMart (đi chợ hộ).

Kể từ thời điểm áp dụng chính sách mới, Grab liên tục bị chỉ trích từ cả phía tài xế lẫn người tiêu dùng, đồng thời nhiều ý kiến cho rằng “phí nắng nóng” thu trong thời điểm này là quá vô lý, lợi dụng yếu tố thời tiết để hãng xe công nghệ kiếm lời và tận thu từ khách hàng… Do vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin trước ngày 18/7.

Phụ phí nắng nóng phải chăng là “biến tướng” của tăng giá cước?

Theo chị T.T (Đống Đa), người thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Grab thắc mắc, “khi tôi đặt một cuốc xe Grab lúc trời đang nắng nóng nhưng đến một địa điểm khác thì trời mát hoặc đổ mưa thì sẽ tính phụ phí như thế nào”? 

Anh D.T (Cầu Giấy) cũng có chung thắc mắc về việc xác định thời tiết nắng nóng là như thế nào, phải có con số nhiệt độ cụ thể cũng như cách xác nhận nắng nóng là lúc đặt xe hay lúc di chuyển?

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, anh V.T.L. là tài xế GradBike cho biết: “Hỗ trợ cho tài xế là cái cớ để hãng tăng giá cước của khách hàng, thực chất tài xế chúng tôi không nhận được bao nhiêu vì tiền phụ phí tăng thêm 5.000 đồng/chuyến lại được cộng dồn vào giá cước, và hãng sẽ phân chia lại theo tỉ lệ chiết khấu”, anh V.T.L. bức xúc.

Có ý kiến cho rằng việc thu phụ phí nắng nóng thực chất là “biến tướng” của việc tăng giá cước. Nếu Grab thực sự vì mục đích hỗ trợ tài xế thì Grab nên trích tiền hỗ trợ từ khoản thu của hãng, không nên chèn ép khách hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao khiến đời sống người dân khó khăn, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đang nỗ lực giảm các loại thuế để kéo giảm giá xăng dầu, triển khai các biện pháp hỗ trợ về an sinh xã hội cho người dân, thì một doanh nghiệp như Grab lại đưa ra loại phụ phí rất vô lý.

Trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái, ông Anthony Tan cho biết, 100% nguồn thu phí nắng nóng sẽ được Grab dành cho tài xế để phục vụ khách hàng tốt hơn (ảnh chụp màn hình báo Đầu Tư).

Báo Đầu Tư cho biết, dù chưa có giải trình chính thức, nhưng vào ngày 19/7, trong cuộc gặp Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập Tập đoàn Grab toàn cầu Anthony Tan vẫn khẳng định 100% nguồn thu này Grab dành để hỗ trợ tài xế – đối tác. Grab mong muốn dù tình hình thời tiết khắc nghiệt thì các tài xế – đối tác vẫn ra đường để phục vụ khách hàng.

Ông Anthony Tan khẳng định, Grab là công ty niêm yết tại Mỹ, nên hoạt động tài chính rất minh bạch. Tại Việt Nam, hiện Grab vẫn đang trong giai đoạn phát triển chưa thu được lợi nhuận nhưng với chiến lược dài hơi, Grab vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài phải có nền tảng, xây dựng mối quan hệ bền vững với người dân và đối tác. Đồng thời hãng cần lưu ý đến những vấn đề được dư luận phản ánh, điển hình như vấn đề thu phí nắng nóng, cần có sự minh bạch, thông tin kịp thời.

Có thể bạn quan tâm: