Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, nhất là ở khu vực phố cổ, thật khó có thể tìm thấy một không gian trong lành, yên tĩnh và rộng rãi như ngôi nhà vườn trên phố Hàng Bạc.
- Thế nào là phong thủy tốt nhất cho một ngôi nhà?
- Ngôi làng cổ đại lấy mái nhà làm đường, không có xe ôtô qua lại
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Đinh Liệt là căn nhà vườn rộng 300m2 của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh – Phạm Thị Tề. Ngôi nhà được xây năm 1945, đến nay cũng ngót nghét 80 tuổi. Ngôi nhà này do kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ thiết kế và phải mất 3 năm để xây dựng và hoàn thiện.
Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Giao (một người con của cụ Thanh và cụ Tề), có lẽ điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà vườn cổ này là được xây dựng theo lối “nhà xuyên phố”. Trong đó, cổng trước nằm ở Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở phố Đinh Liệt. Qua thời gian, hiện nay ngôi nhà chỉ còn một cổng phụ từ phố Đinh Liệt.
Nhà vườn 300m2 ở phố cổ
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Phạm Ngọc Hải (74 tuổi, là con trai út của cụ Thanh và cụ Tề) cho biết ban đầu khu nhà vườn có tổng diện tích gần 600m2 nhưng giờ đây chỉ còn gần 300m2.
Ông Hải kể, tính ra hiện có 5 thế hệ đang sinh sống trong khu nhà vườn này. Sau khi trưởng thành, con cháu trong nhà muốn chia nhỏ khu vườn ra để xây nhà. Đại gia đình đã phải họp và bàn bạc nhiều lần mới giữ lại được sự nguyên vẹn của khu vườn.
Ghi nhận của PV Doanh nghiệp và Tiếp thị, ngôi nhà được xây hướng Đông Bắc, mùa hè mát mẻ. Hồi mới xây, những căn nhà ở xung quanh chỉ có một tầng nên đứng từ ban công, ông Hải có thể dễ dàng nhìn thẳng ra hồ Gươm.
Tuy nằm giữa lòng phố cổ, nhưng ngôi nhà có không gian rộng rãi, thoáng mát tràn ngập sắc xanh của cây cối.
Trải qua thời gian, ngôi nhà vẫn giữ được sự giao thoa văn hoá Đông-Tây. Nếp ngói tỏa xuống hiên, mái cong vút của phương Đông “hòa trộn” với kiến trúc trần nhà cao và không gian được chia nhỏ của phương Tây.
Về kết cấu căn nhà, ông Hải cho biết tường được trát bằng mật, muối, vôi, xi măng trộn đều với nhau nên độ bền rất chắc chắn. Sàn nhà được làm bằng đá trộn cùng các nguyên liệu trên, sau đó xoa mịn.
Ông Hải kể, hầu hết vật liệu xây dựng của ngôi nhà được chuyển từ Pháp về Việt Nam. Thậm chí đến bệ hố xí, tủ lạnh, bàn ghế đều được gia đình ông nhập khẩu từ Pháp.
Điều đặc biệt là trong ngôi nhà luôn xuất hiện đan xen hình ảnh “con dơi” và chữ “Thọ”. Ông Giao lý giải “Thọ” biểu tượng cho sức khỏe. “Dơi” có cách đọc đồng âm với chữ “Phúc”. Sự kết hợp này như lời cầu mong hạnh phúc và trường thọ của chủ nhân ngôi nhà tới các con cháu.
Ngôi nhà cũng lưu giữ bộ bàn ghế cổ hơn 100 tuổi bằng gỗ núp. Ông Hải cho biết: “Thuở ấy, Hà Nội chỉ có 2 bộ bàn ghế có kiểu dáng và được làm từ gỗ này. Một bộ được để ở nhà [tôi], một bộ khác đang được đặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội”.
Ngoài ra, căn nhà còn có một lối đi xuống hầm, nơi có thể chứa khoảng hơn 20 người.
Nhiều người từng tìm đến hỏi mua căn nhà và nội thất, tuy nhiên gia đình ông Hải thống nhất không bán. Họ muốn giữ lại làm kỷ niệm cho các thế hệ sau này.
Ông Hải cho biết “Thậm chí có người trả giá vu vơ 180 tỷ vì họ biết có trả cao nữa chúng tôi cũng không bán. Đây là nơi một tay bố mẹ tôi gây dựng, tuổi thơ và cuộc đời tôi gắn bó với nó. Con cháu trong nhà cũng từ đây mà lớn khôn, ăn nên làm ra. Dù bất cứ ai, đưa ra mức giá bao nhiêu đi chăng nữa, chúng tôi đều lắc đầu từ chối”.
Tiệm vàng Sư tử nức tiếng Hà Thành
Nói về chủ nhân của ngôi nhà, vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh – Phạm Thị Tề được xem là có điều kiện nhất vùng thời bấy giờ.
Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Giao với PV Người đưa tin, bố mẹ ông là chủ hiệu vàng Sư Tử nức tiếng giàu có ở phố cổ Hà Nội. Ông bật mí, thời ấy, để thương hiệu vàng phát triển vững mạnh, bố mẹ ông luôn căn dặn con cháu và gia công phải luôn trung thực và giữ chữ tín.
“Cốt lõi đều từ việc ‘lấy công làm lãi’ nên khách rất tin tưởng vào uy tín của mình. Hiệu vàng Sư Tử ngày ấy vang danh đất Hà thành. Lúc nào trong nhà cũng có 10 gia nhân làm vàng. Bố mẹ tôi hay nhận những người lang thang cơ nhỡ về hướng dẫn nghề nghiệp”, ông Giao cho biết thêm.
Đến bây giờ, gia đình ông Giao vẫn sống theo gia phong của ông cha để lại. Trong ngôi nhà cổ vẫn lưu giữ đôi câu đối được một nhà nho tặng vào năm 1926.
Theo lý giải của ông Giao, câu đối này có nghĩa là, quy định không đổi tại gia là tôn trọng sự công bằng và tính kiên nhẫn. Còn đối lại với bên ngoài không có gì bằng sự mềm mại xanh tươi như cây liễu và đàng hoàng khiêm tốn như lâu đài.
Giữa sự tấp nập, ồn ào của khu phố cổ, ngôi nhà vườn với không gian tươi mát của cây xanh, cổ kính của kiến trúc dường như đưa người ta về một không gian khác, một không gian của phong vị truyền thống hiếm hoi còn lưu giữ lại những nét đẹp về gia phong người Tràng An.
Bài viết đã được cập nhật lúc 10h50 ngày 23/4/2021