Sử Việt ghi nhận những vị minh quân dùng rượu không quá chén, thậm chí có vị vua quyết tâm không bị lôi kéo bởi cám dỗ từ rượu, nhưng cũng có hôn quân chìm đắm trong tửu sắc.
- Nhà vườn vừa chặt bỏ, thanh long, ớt đồng loạt lên giá
- Video: Gia đình chim vừa đi vừa nhún nhảy trên đường
Ở một phương diện nào đó, có thể nói rượu là một trong những yếu tố để nhìn ra minh quân và hôn quân. Dưới đây là một số câu chuyện về cách hành xử của những vị vua ấy trước cám dỗ từ rượu:
Tóm tắt nội dung
1. Câu chuyện vua Trần Dụ Tông ham mê tửu sắc
Có lẽ bất kỳ quân vương của triều đại nào cũng đều dùng rượu; nhưng không có vị minh quân nào lại có thể suốt ngày rượu chè quá mức cả. Ngược lại những vị hôn quân trong lịch sử như Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp, v.v; thì đều chìm đắm trong rượu và sắc.
Vua Trần Dụ Tông được quần thần trong triều đình đánh giá là thông minh hơn người; nhưng khi lên ngôi lại ăn chơi sa đọa bởi cám dỗ từ rượu. Ông thường xuyên đàn đúm với những kẻ mê rượu; xây cung điện, đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng lầm than cơ cực. Sử sách còn chép rằng vua Dụ Tông thường rủ các quan trong triều cùng uống thi; ai thắng sẽ được thăng chức. Từ thời vua Dụ Tông, nhà Trần vì đó mà suy sụp rất nhanh; rồi sau này rơi vào tay Hồ Quý Ly.
2. Câu chuyện Vua Trần Anh Tông suýt mất ngôi vì cám dỗ từ rượu
Ngược lại, trong sử Việt cũng ghi nhận những trường hợp vua quyết tâm bỏ rượu mà thành minh quân trong lịch sử.
Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, vua Trần Nhân Tông lên làm Thượng Hoàng. Dù thường xuyên chuyên tâm tu Phật, nhưng Thượng Hoàng vẫn hằng ngày để ý giáo dục vua con.
Vua Anh Tông từ nhỏ cũng không để ý và đam mê đến rượu chè. Một lần, ông không giữ được mình đã uống rượu Xương Bồ từ hôm trước mà say đến tận chiều hôm sau. Không may sáng hôm đó, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông bất ngờ từ Thiên Trường đến Thăng Long xem tình hình vua con như thế nào; không một ai biết trước. Thượng Hoàng ngạc nhiên lại không thấy Vua đâu bèn hỏi Thái giám; vị Thái giám sau đó vội vàng đi tìm và thấy Vua còn đang say mèm không sao dậy nổi.
Thượng Hoàng giận quá không nói câu nào liền bỏ về; lệnh cho các quan đến Thiên Trường họp bàn việc phế truất vua Anh Tông.
Nhờ chối bỏ cám dỗ từ rượu mà trở thành vị minh quân
Đến chiều, khi vua Anh Tông tỉnh rượu biết chuyện thì hoảng sợ; vơ vội quần áo lên ngựa ra ngoài. May rủi thế nào trên đường vô tình lại đụng phải thư sinh Đoàn Nhữ Hài; nhờ Đoàn Nhữ Hài ra tay cứu giúp, làm bài biểu tạ tội với Thượng Hoàng. Nhờ bài biểu tạ tội mấy ngàn chữ này mà Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nguôi giận. Thượng Hoàng nghiêm khắc dặn dò Vua con rằng: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống ở đây mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”
Kể từ sự việc đó vua Anh Tông bỏ hẳn rượu; tránh xa và hạn chế tin dùng những kẻ nghiện ngập. Thậm chí có lần Thượng Hoàng gợi ý cho vua con chọn Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển; vua Anh Tông đã thận trọng đáp rằng: “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”
Lịch sử ghi nhận vua Anh Tông là vị minh quân giúp nước Đại Việt ta tiếp tục thời kỳ toàn thịnh. Một phần công lao của ông có lẽ là nhờ bỏ rượu mà thành sự nghiệp chăng?
3. Câu chuyện vua Gia Long không bị cám dỗ từ rượu mà lập nghiệp lớn
Vua Gia Long là người đặc biệt không dùng rượu trong bữa ăn bởi ông không bị cám dỗ từ rượu; cuộc sống rất thanh đạm đơn giản, không có sơn hào hải vị tốn kém; nhiều khi ông tới ăn cùng với binh sĩ. Kỳ thực thời trẻ, Vua cũng thường hay uống nhiều rượu; nhưng khi bắt đầu mang trên vai trọng trách quan trọng thì ông không dám uống dù chỉ một giọt.
Linh mục người Pháp Lelabrousse trong bức thư đề ngày 1/5/1800 có ghi chép lại rằng:
“Thuở còn trẻ tuổi, Ngài nghiện rượu, nhưng đến khi lên làm vua phải điều hành các việc chính trị, binh cơ, trách nhiệm nhà nước nhất nhất quan hệ ở mình; thì Ngài quyết tâm bỏ rượu ngay, bỏ một cách quyết liệt; đến nỗi từ đó về sau ông không nhấp một giọt rượu nào vào môi nữa.
Chính Ngài thường nói: Tôi nghĩ ở đời không có thứ gì làm mất phẩm giá người ta nhiều bằng cái tật nghiện rượu; không có thứ gì nguy hiểm cho bằng rượu, nó khiến người ta hư hèn vô lực đủ đường; không có thứ gì tệ cho bằng rượu, nó khiến sinh ra lắm sự thị phi, lắm cảnh khốn đốn. Một kẻ suốt ngày rượu chè say sưa chẳng nên cai quản, sai khiến ai bao giờ. Con người ta, đến bản thân còn chẳng tự chủ bản thân nổi thì mong trị thiên hạ làm sao được?”.
Điều luật cấm uống rượu của vua Gia Long đối với quan quân
Cuốn “Đại Nam thực lục” có ghi chép rằng trong giai đoạn giao chiến ác liệt với quân Tây Sơn, vua Gia Long có ra 32 điều quân lệnh trong đó có điều cấm uống rượu: “Trong quân không được đánh bạc uống rượu. Như đánh bạc ở đồn sở thì không kể quan hay dân, đều trị nghiêm khắc 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người đứng ra tố cáo. Uống rượu thì quan còn bị xử nặng hơn, lính cũng trị 100 roi và sung làm đầu bếp. Ra trận thì đều chém đầu để làm gương trước mọi người”.
Lối sống và giờ làm việc của vua vào buổi sáng
Nhà du hành người Anh John Barrow trong cuốn “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến công tác đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793) có ghi chép lại giờ giấc sinh hoạt trong ngày của vua Gia Long khi còn là Nguyễn Vương ở Nam Bộ như sau:
“Để ông có thể tham gia tốt hơn vào những công việc của triều đình, lối sống của ông ngay từ đầu đã được điều chỉnh theo một kế hoạch cố định. Lúc 6 giờ sáng, vua trở dậy từ sớm, đi tắm nước lạnh; tới 7 giờ, vua tiếp các quan, tất cả những thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc, những mệnh lệnh của vua về các tấu biểu này được ghi chép rõ ràng. Sau đó ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét tình hình những công việc.”
Lối sống và giờ làm việc của vua vào buổi chiều
“Vào khoảng 12 giờ trưa hoặc một giờ chiều, ông tranh thủ dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm có một ít cơm ăn với cá khô cùng với mọi người. Lúc 2 giờ chiều, vua lui về phòng mình và nghỉ ngơi cho tới lúc 5 giờ. Khi đó vua lại bắt đầu làm việc, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân, người cầm đầu các tòa án hay các công sở.”
John Barrow cũng ghi chép lại rằng: “Ông không dùng rượu Tàu hay bất kỳ loại đồ uống có chất cồn nào, ăn rất ít thịt; một ít cá, cơm, rau, hoa quả, nước trà và bánh bột nhẹ là những đồ ăn uống chính hàng ngày của ông”.
Vua Gia Long bỏ rượu tu chí lo việc nước
Từng có bình luận về chuyện vua Gia Long không dùng rượu như sau:
“Nội một việc ấy, để cho thấy vua Gia Long có đức tính tự cường hiếm hoi. Tuy từ bỏ rượu không phải là một việc trọng đại cho bằng ý chí sửa đổi một nước; nhưng chẳng phải ai muốn cũng làm được, huống chi lại là vua chúa lại càng khó hơn.
Ở thời đại quân chủ độc tôn, một người phú quý đến thế bỗng dưng gác chén đập bình; quả quyết chừa rượu cho đến một giọt cũng không để thấm môi; thiết tưởng ai cũng phải cho là một sự ít thấy trong lịch sử đế vương, và nếu không có chí tự cường và ý chí bản thân, chắc không làm nổi việc này.”
Từ xưa đến nay, những người đàn đúm rượu chè, ăn chơi sa đọa đều không có kết cục tốt đẹp. Đam mê tửu sắc quá mức sẽ chỉ mang đến họa diệt thân.
Là đấng nam nhi muốn có được chỗ đứng vững chãi giữa đất trời, thì nhất định cần ghi nhớ không để bản thân mê chìm trong ảo mộng được tạo ra bởi cám dỗ từ rượu và sắc tình phù phiếm.