Ngày 22/6, hơn 40 quốc gia đã yêu cầu Trung Quốc cho phép người đứng đầu vấn đề nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) được đến Tân Cương để điều tra. Chuyến đi này nhằm xác minh các báo cáo về việc người dân tộc Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ bất hợp pháp, tra tấn hoặc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, theo Reuters.

Hôm 22/6, Đại sứ Canada, Leslie Norton đã đọc tuyên bố chung của hơn 40 nước về Trung Quốc trước Hội đồng Nhân quyền LHQ. Danh sách các quốc gia có Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước khác.

Tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc cho phép Liên Hợp Quốc tiếp cận Tân Cương ngay lập tức

“Các báo cáo đáng tin cậy cho thấy, hơn một triệu người đã bị bắt giữ tùy tiện ở Tân Cương; có hệ thống giám sát rộng rãi nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác; có tình trạng hạn chế các quyền tự do cơ bản và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ”, tuyên bố chung viết.

Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc cho phép tiếp các quan sát viên, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ (bà Michelle Bachelet) được đến Tân Cương ngay lập tức để điều tra.

Ngày 21/6 bà Bachelet nói với hội đồng rằng, bà hy vọng sẽ có chuyến thăm trong năm nay tới Tân Cương để xem xét các báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc về việc đàn áp, bắt giữ, cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ. Họ mô tả các trại tập trung giam giữ người Duy Ngô Nhĩ là các cơ sở đào tạo nghề nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Ngày 22/6, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại LHQ ở Geneva, Giang Ưng Phong (Jiang Yingfeng) đã bác bỏ tuyên bố của hơn 40 quốc gia.

Ông Giang cho rằng tuyên bố này là có “động cơ chính trị”.

Tuyên bố chung do Canada đứng đầu đã trích dẫn các báo cáo về nạn tra tấn, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và ép buộc tách trẻ em Duy Ngô Nhĩ ra khỏi cha mẹ chúng tại Trung Quốc.