Việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương có thể cấu thành tội ác chống lại loài người, theo báo cáo của cơ quan giám sát nhân quyền của Liên Hợp quốc (LHQ) công bố cuối ngày 31/8.

Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michelle Bachelet đã công bố báo cáo dài 48 trang về tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, vài phút trước khi bà hết nhiệm kỳ.

Trung Quốc có thể phạm tội chống lại loài người

Theo Nikkei, bản báo cáo được thực hiện trong ba năm, đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong suốt nhiệm kỳ của bà Michelle Bachelet, trước áp lực quốc tế gia tăng về việc yêu cầu điều tra độc lập các cáo buộc lạm dụng đối với nhóm người thiểu số, chủ yếu theo đạo Hồi vùng tây bắc Trung Quốc.

“Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người Hồi giáo khác … có thể cấu thành tội phạm quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người” báo cáo chỉ ra.

Cộng đồng quốc tế lên án cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (ảnh chụp màn hình Nikkei).
Cộng đồng quốc tế lên án cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (ảnh chụp màn hình Nikkei).

Ước tính hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ khác đã bị giam giữ trong các trại lao động mà Bắc Kinh mô tả là các trung tâm huấn luyện nhằm chống khủng bố và các hoạt động ly khai ở Tân Cương.

Theo báo cáo, những người bị giam giữ phải chịu một loạt các hành vi ngược đãi như giam giữ tùy tiện, tra tấn, phân biệt đối xử, cưỡng bức triệt sản…

Bắc Kinh đáp trả phát hiện của bà Bachelet là một lời nói dối nhằm “bóp méo luật pháp và chính sách của Trung Quốc; cố ý bôi nhọ và vu khống Trung Quốc”.

Hoa Kỳ kêu gọi điều tra độc lập Trung Quốc

Mỹ hoan nghênh báo cáo của Liên Hợp Quốc. Ngày 1/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh báo cáo này “làm sâu sắc thêm và tái khẳng định mối quan tâm lớn của chúng tôi về nạn diệt chủng đang diễn ra và tội ác chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ”.

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc “trả tự do cho những người bị giam giữ vô cớ, giải thích việc nhiều người đã biến mất, cho phép các nhà điều tra độc lập tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đến Tân Cương, Tây Tạng và trên toàn Trung Quốc”, ông Blinken nói.

Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm

Văn phòng nhân quyền của LHQ kết luận rằng việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các hành vi ngược đãi trong các trại quy mô lớn là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, “phân biệt đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác dựa trên các mối đe dọa an ninh được nhận thức”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong nhiều năm qua (ảnh: Flickr).
Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong nhiều năm qua (ảnh: Flickr).

Theo giới quan sát, báo cáo của LHQ là rất quan trọng để buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước các nạn nhân và gia đình của họ về tội diệt chủng.

Mặc dù bản báo cáo không sử dụng thuật ngữ “diệt chủng”, nhưng kêu gọi Trung Quốc thay đổi các chính sách ở Tân Cương và bồi thường cho các nạn nhân. Chính phủ các quốc gia cũng kêu gọi không đưa những người thiểu số Tân Cương sống ở nước họ trở lại Trung Quốc.

LHQ kêu gọi các công ty nước ngoài có liên kết với Tân Cương tăng cường nỗ lực để đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh của họ tôn trọng nhân quyền và không bị lạm dụng.

Cần ngăn chặn nạn diệt chủng tại Trung Quốc

Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Sophie Richardson cho biết, những phát hiện về vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc của Cao ủy giải thích tại sao Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc công bố báo cáo.

“Hội đồng Nhân quyền LHQ nên sử dụng báo cáo để bắt đầu một cuộc điều tra toàn diện về tội ác chống lại loài người của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và những người khác – và buộc những người có trách nhiệm phải giải trình”.

Bắc Kinh không ngừng cố ngăn cản việc công bố các phát hiện của Cao ủy. Bà Bachelet cho hay bà đã nhận được một lá thư ngoại giao của Trung Quốc, được đồng ký bởi 40 quốc gia, kêu gọi bà không công bố báo cáo.

“Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đã chờ quá lâu để gửi báo cáo của mình. Sự thật về những hành động tàn bạo của Trung Quốc một lần nữa đã được ghi nhận, và không thể trốn tránh trách nhiệm phải hành động”, Giám đốc Điều hành Chiến dịch Duy Ngô Nhĩ, Rushan Abbas cho biết trong một tuyên bố do 60 tổ chức Duy Ngô Nhĩ đồng ký.

Ông nói: “Ngăn chặn nạn diệt chủng là mục đích cơ bản của LHQ và nó phải được duy trì ngay bây giờ”.

Có thể bạn quan tâm: