Người Sri Lanka bắt đầu trồng mít để tự cung tự cấp lương thực trong thời kỳ bị nước Anh cai trị. Nhờ quả mít mà người dân trên đảo đã vượt qua nạn đói. Do đó họ gọi mít là “quả cứu đói”.

Trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng của hòn đảo vào những năm 1970, hầu hết các bữa ăn rất đơn giản. Có khi chỉ là mít luộc được nấu trong nồi đất với một nắm dừa tươi nạo. Bữa ăn chống đói nhưng giàu carb kết hợp với chất béo tự nhiên. Do đó nó đã cung cấp đủ năng lượng cho gia đình nông dân làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm trên vùng đồng bằng khô hạn.

Đối với những người lớn tuổi ở Sri Lanka, có nhiều kỷ niệm đậm đà với vô số món ngon từ mít non. Đặc biệt là món kiri kos, một loại cà ri mít non nấu trong nước cốt dừa. Còn bọn trẻ thì hồi hộp chờ đợi mít chín được bổ, rồi ngấu nghiến từng múi, từng múi vàng ươm. Loại trái cây khiêm tốn này đã được người Sri Lanka tôn kính, vì nó đã nhiều lần cứu hòn đảo khỏi nạn đói.

Mít còn được gọi là ‘quả cứu đói’ ở Sri Lanka

Trên khắp Sri Lanka, cây mít còn được gọi là “cây gạo”. Sri Lanka là quốc gia trồng lúa nước, người dân trước thời thuộc địa đã tự hào về các hồ chứa và kênh thủy lợi rộng lớn có thể khai thác để cung cấp nước cho việc trồng lúa. Nhưng từ năm 1815 quân Anh chiếm đóng hòn đảo và bắt đầu tước đoạt đất đai của người dân để phát triển các loại cây như chè, cao su, quế và họ thu lợi từ việc xuất khẩu những nông sản đó.

Arthur V Dias là người đã phát triển cây mít thành loại thực phẩm cứu đói

Năm 1915, một thành viên của phong trào đòi độc lập của Sri Lanka tên là Arthur V Dias đã bị người Anh kết án tử hình vì có vai trò trong cuộc nổi dậy và được giải thoát khỏi nhà tù. Sau khi được trả tự do, Dias đã tận tâm giúp đỡ người dân Sri Lanka chống lại sự cai trị của người Anh. Ông nhận ra rằng người dân trên đảo sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khi diện tích trồng lúa tiếp tục giảm.

Trong các cuộc tuần hành của phong trào độc lập ở vùng cao nguyên trung tâm của Sri Lanka, ông cũng chứng kiến những cây mít bản địa bị tàn phá. Khi biết về tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do Chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra ở khắp châu Âu, Dias đã tìm cách thiết lập an ninh lương thực và tự cung tự cấp trên khắp Sri Lanka.

Ngày nay, cây mít có ở khắp mọi nơi ở Sri Lanka và là nguồn cung cấp protein quan trọng cho cư dân địa phương.

Arthur V Dias nhận ra rằng ông có thể trồng cây mít, giống như cây lúa và xóa bỏ nạn đói ở Sri Lanka. Dias đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là trồng một triệu cây mít trên khắp Sri Lanka.

Dias đã nhập khẩu hạt mít từ Malaysia và lựa chọn những hạt giống khỏe mạnh để ươm mầm. Ông đã đến các ngôi làng để phân phát cây giống và gửi hạt giống đến các vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước.

Theo thời gian, chiến dịch của Dias đã mở đường cho nhiều đồn điền mít thành công và mang lại cho ông biệt danh anh hùng là Kos Mama, hay Uncle Jack.

Ngày nay, hầu hết trẻ em Sri Lanka biết đến Dias trong những cuốn sách giáo khoa. Chiến dịch trồng mít của ông cũng giúp đảm bảo an ninh lương thực ở Sri Lanka trong Thế chiến thứ hai trong khi những nơi lân cận như Bengal và Việt Nam trải qua nạn đói kinh hoàng vào những năm 1940.

Mít còn được gọi là “trái cây cứu đói” ở Sri Lanka trong những năm 1970: Lạm phát, hạn hán và tình trạng thiếu lương thực đã đẩy đất nước đến bờ vực sụp đổ. Thời điểm đó chính quyền chỉ cho phép mỗi gia đình mua 2kg gạo trong một tuần, nhưng nhờ chiến dịch của Dias từ những năm 1900, nhà nào cũng trồng mít ở sân sau và thứ đó đã giúp họ vượt qua khủng hoảng, mít đã giúp họ no bụng và cung cấp đủ dinh dưỡng vượt qua nạn đói.

Giờ đây mít cũng trở thành mặt hàng chủ lực trong thời gian cách ly kéo dài hàng tháng của Sri Lanka để kiểm soát Covid-19. Những tuần đầu tiên của đại dịch, nhiều người dân không còn nguồn thu nhập và phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để các chương trình phúc lợi của chính phủ đến được với người dân ở những ngôi làng hẻo lánh. Họ không có tiền, thức ăn và đã phải luộc mít – giống như cuộc khủng hoảng của những năm 1970.

Mít đã tạo ra các món ngon đầy hương vị và góp phần vào nền ẩm thực đa dạng của người dân Sri Lanka

Mít không chỉ là một loại trái cây cứu đói, tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc của hòn đảo dành cho mít đã tạo ra hàng loạt món ngon hấp dẫn:

Món polos ambula: Mít non không hạt được chế biến thành món cà ri thơm ngon gọi là polos ambula . Món cà ri tốn khá nhiều thời gian, công sức bao gồm việc om quả non trong nồi đất trên lửa ít nhất sáu giờ đồng hồ, để cho những lát mít non trong nước cốt dừa ngấm gia vị và thấm đẫm mùi vị của thảo quả, đinh hương, me khô, cùng các hương liệu khác.

Mít nấu chín có kết cấu thịt vụn giống như thịt lợn kéo.

Món Kos ata aggala: Hạt mít có thể luộc hoặc nướng trên bếp than hồng như một món ăn vặt phổ biến với bọn trẻ. Hạt mít rang và xay nhuyễn trộn với dừa nạo, đường và một chút hạt tiêu tạo thành những viên tròn cho hương vị tuyệt vời và một vị giòn tinh tế.

Nhiều món thuần chay không thể thiếu nguyên liệu mít trong chế biến: Sử dụng bột mít trong bánh nướng xốp và bánh ngọt. Chiên vỏ mít cắt thành từng lát mỏng với đường hoặc những miếng mít non mềm được phục vụ với nước sốt ớt cay tự làm, nhanh chóng trở thành một món ăn quen thuộc cho những thực khách thường xuyên lui tới nhà hàng thuần chay nổi tiếng ở Colombo.

Cây mít có thể lấy gỗ làm nhà cửa, bàn ghế cùng nhiều công dụng của lá, hoa của nó trong y học Ayurvedic để điều trị bệnh tiểu đường. Giàu carbs, mít cũng là một nguồn cung cấp chất xơ và vitamin C.

Mít là một loại trái cây đa năng, có sẵn, phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới như: Sri Lanka, Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia… có thể nấu và thưởng thức nó theo nhiều cách. Đối với người dân Sri Lanka, đó là một trong những siêu thực phẩm tuyệt vời nhất, họ cho rằng “Thật khó để nghĩ ra một loại cây khác có nhiều công dụng đến như vậy”.

Mít là loại cây ăn quả lớn nhất thế giới và những cây trưởng thành cho 200 quả mỗi năm.

Công thức chế biến món Cốt lết mít non

Nguyên liệu:
1 trái mít non
100g khoai tây
2 muỗng canh dầu dừa
1 củ hành tây thái nhỏ, 2 tép tỏi băm nhuyễn, 1 trái ớt xanh thái nhỏ
¼ muỗng canh gừng thái nhỏ, ½ muỗng canh tiêu xay, ¼ muỗng canh ớt bột, 1 muỗng canh bột cà ri rang, xay nhuyễn 2 nhánh lá cà ri
50g bột mì
150ml nước
Một chút nghệ
Một chút muối
150g vụn bánh mì

Ở Sri Lanka mít có thể chế biến nhiều món truyền thống.

Cách làm:
Làm sạch mít non, sau đó gọt vỏ và cắt thành từng khoanh vừa phải. Đun sôi cho đến khi mềm và tán nhuyễn. Luộc chín khoai tây, sau đó gọt vỏ và nghiền nhỏ.

Đun nóng dầu dừa trên chảo cạn. Khi dầu đã nóng, cho hành, tỏi, ớt xanh, gừng, tiêu, ớt bào sợi, bột cà ri rang và lá cà ri thái nhỏ vào. Xào cho đến khi hành tây mềm và có màu vàng nhạt. Cho muối, mít đã nghiền và khoai tây vào khuấy đều trong 5 phút. Tắt bếp. Sau khi nguội, nặn hỗn hợp thành những viên nhỏ có đường kính khoảng 1,5 inch.

Chuẩn bị bột bằng cách đánh đều bột mì, nước, nghệ và muối. Nhúng các viên mít nặn vào bát bột trên và lăn chúng trong vụn bánh mì.

Đun nóng chảo với dầu rồi chiên các miếng cốt lết cho đến khi chín vàng, thưởng thức kèm với tương ớt cay thật là tuyệt!