Chính quyền Kiev cần vũ khí tầm xa hơn, hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trước khi quá muộn. Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Adam Smith sau chuyến thăm Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ – Adam Smith vừa dẫn phái đoàn cấp cao sang Kiev, cập nhật tiến trình gửi pháo phản lực HIMARS và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine theo cách hiệu quả nhất có thể.

Ukraine cần nhiều vũ khí để giành lại lãnh thổ

Theo tờ Politico, Dân biểu Đảng Dân chủ Adam Smith tuyên bố lực lượng Ukraine sẽ cần vũ khí tầm xa hơn như tên lửa chiến thuật và máy bay không người lái tấn công để thay đổi cục diện trận chiến. 

Tờ này cho biết, mùa đông đang đến gần sẽ biến cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chỉ có lợi cho Nga. Hiện chính quyền Kiev đã yêu cầu phái đoàn quốc hội Mỹ thuyết phục Washington khẩn cấp gửi viện trợ.

“Hãy giúp họ ngay bây giờ càng nhiều càng tốt. Ba đến sáu tuần tiếp theo là thời điểm rất quan trọng”, dân biểu Adam Smith nói. 

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Adam Smith sau chuyến thăm Ukraine hôm 23/7 (Ảnh chụp màn hình video)

Theo nghị sĩ này, chính phủ Ukraine sẵn sàng đạt được một thỏa thuận hòa bình với Moscow, nhưng vẫn muốn các vùng lãnh thổ của họ trở lại, đặc biệt là các vùng lãnh thổ ở phía nam.

Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát đối với khu vực Kherson phía nam của Ukraine, và phần lớn Khu vực Zaporozhye lân cận ngay từ những ngày đầu cuộc xung đột. 

Hiện một số địa phương ở khu vực này được cho là đang cân nhắc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.

Chính quyền Tổng thống Zelensky đã nhiều lần tuyên bố rằng, mục tiêu của Kyiv là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ khỏi Nga. 

Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói rằng mục tiêu của quốc gia ông trong cuộc xung đột là “khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi và chủ quyền đầy đủ ở phía đông và phía nam của Ukraine”. 

Mỹ sẽ cung cấp vũ khí tầm xa hơn 50km?

Theo rferl.org, dân biểu Adam Smith tin rằng, lực lượng Ukraine sẽ cần vũ khí hạng nặng hơn để đạt được mục tiêu này. 

Ông nói: “Các hệ thống HIMARS với phạm vi… từ 30 đến 50 km thực sự hữu ích. Chúng tôi đã thấy hiệu quả trong tháng trước. Nhưng nếu chúng có tầm bắn xa hơn, người Nga sẽ khó giấu đồ của họ hơn”. 

Cho đến nay, Washington đã cung cấp cho Kiev 12 hệ thống tên lửa phóng nhiều lần HIMARS. Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo Ukraine sắp có thêm 4 hệ thống loại này, nâng tổng số hệ thống trên chiến trường lên 16 chiếc. 

Tuy nhiên, ông Smith cho là vẫn chưa đủ, mà Mỹ nên viện trợ càng nhiều càng tốt (30 hệ thống) và gửi đến Ukraine càng sớm càng tốt. Trước đó, chính quyền Kyiv đã yêu cầu ít nhất 50 bệ phóng tên lửa HIMARS. 

Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục gửi Hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS tới Ukraine. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ thừa nhận việc cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu của Mỹ là không khả thi vào lúc này. 

Washington đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ 8,2 tỷ USD kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga, nhưng cho đến nay vẫn hạn chế cung cấp cho Kiev một số vũ khí tầm xa hơn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật (ATACMS) với tầm bắn khoảng 300 km. Máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle. 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại về khả năng leo thang xung đột nếu các lực lượng Ukraine trang bị vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, dân biểu Smith tin rằng Washington vẫn có thể thay đổi quyết định.

Dân biểu Smith nói:“Chính quyền không chuẩn bị kế hoạch vào thời điểm này, nhưng có những lập luận xác đáng được đưa ra. Điều đó có thể thay đổi vào một thời điểm nào đó”.

Có thể bạn quan tâm: