Nếu vô tình bắt gặp một người ăn trộm bánh mỳ, xin đừng vội tức giận và buông lời thóa mạ. Bởi ta không biết lý do thực sự đằng sau hành động của họ là gì.
Gần đây, một chiếc camera “bắt được” hành vi ăn trộm bánh mỳ của một người phụ nữ. Cụ thể, vừa trả tiền mua hàng xong, đợi người chủ cửa hàng đi vào nhà thì người phụ nữ với tay lấy một chiếc bánh mỳ.
Tóm tắt nội dung
Một hành vi ăn trộm bánh mỳ – hàng trăm lời chỉ trích
Cho là hành vi trộm cắp, cộng đồng mạng đưa ra hàng trăm lời bình luận chỉ trích, lên án rất nặng nề. Trong khi đó, có một vài ý kiến nói rằng đây chỉ là mẹo xưa để chữa bệnh cho trẻ con ở nhà chứ không phải cố tình ăn cắp.
Dù nguyên nhân đằng sau hành động “ăn trộm bánh mỳ” là gì, thì thái độ gay gắt, ngôn từ thóa mạ của cộng đồng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Hàng trăm lời bình phẩm tiêu cực đã phản ánh một trạng thái xã hội thừa oán hận, thiếu thiện giải. Lòng khoan dung bị vùi lấp. Sự cảm thông, tình thương giữa con người với con người đâu mất rồi?
Nhân sự việc này, xin được lấy chuyện xưa để làm bài học suy ngẫm cho thế hệ sau. Mong rằng tính bản thiện – điều vốn sẵn có trong mỗi người sẽ quay trở lại.
Câu chuyện có thật này xảy ra vào giữa thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (kéo dài từ năm 1929 tới nửa sau thập niên 30); tại một nơi nghèo nhất trong thành phố New York. Câu chuyện sau này đã được ghi nhận trong nhiều cuốn sách như “Best Sermons 1” (1988); “Say Please, Say Thank You: The Respect We Owe One Another” (1999); hay “Ragamuffin Gospel” (2000).
Phiên tòa xét xử người phụ nữ ăn trộm bánh mỳ
Một buổi tối lạnh lẽo giữa tháng 1/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất New York. Thẩm phán là ngài thị trưởng của thành phố, ông Fiorello LaGuardia. Bị cáo là một người phụ nữ đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách, dáng vẻ sầu não. Bà bị buộc tội vì ăn cắp một chiếc bánh mì.
Quan tòa hỏi: “Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?”
Người phụ nữ cúi mặt xuống, ấp úng trả lời: “Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã ăn trộm bánh mì”.
“Động cơ ăn trộm của bà là gì? Có phải vì bà đói bụng không?” – quan tòa hỏi.
“Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy”, bà lão trả lời. “Đứa con rể của tôi đã bỏ đi, còn con gái tôi ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này cho hai đứa trẻ…Chúng thực sự rất đói…Tôi không thể trơ mắt nhìn chúng chết đói được, chúng vẫn còn quá nhỏ”. Nói đến đây bà bật khóc.
Tuy nhiên, người chủ cửa hàng bánh mì không đồng ý tha thứ. “Đây là một vùng kém an ninh, thưa Ngài,” ông nói. “Bà ấy phải bị trừng phạt để làm gương cho những người khác.”
Quyết định xét xử đi vào lòng người
Vị quan tòa thở dài, nhìn về phía người phụ nữ và nói: “Bị cáo, tôi phải làm việc theo lẽ công bằng, chấp hành theo pháp luật. Bà có hai lựa chọn: nộp phạt 10 đô la hoặc chấp nhận bị giam 10 ngày. Bà chọn cái nào?”
Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: “Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?”
Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ của mình.
“Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!”
Tiền phạt cho sự hờ hững của chúng ta
Rồi ông hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: “Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt. Tiền phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một người bà khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa cháu đang chết đói. Ngài Baliff, hãy đi thu tiền phạt và đưa tất cả cho bị cáo”.
Ngày hôm sau, tờ báo thành phố New York đưa tin đã có 47,5 đô la được gửi đến cho người phụ nữ ăn trộm bánh mỳ. Số tiền đó bao gồm cả 50 cent do chủ cửa hàng bánh mì đóng góp. Ngoài ra còn có khoảng vài chục bị cáo khác đang chờ xét xử, các cảnh sát có mặt khi đó; họ đều vinh hạnh được đóng góp 50 cent và đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt.
Suy ngẫm
Thiên tài Albert Einstein từng nói: “Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.” Có lẽ đó là lý do vì sao Ngài thị trưởng Fiorello LaGuardia đã đứng lên để “trừng phạt” cho sự lãnh đạm và vô tình của những người có mặt trong phiên tòa. Kỳ thực, ông đã xét xử bằng lòng khoan dung và nhân ái của một con người chân chính.
Còn trong sự việc người phụ nữ ăn trộm bánh mỳ thời nay, đã có hàng trăm lời chỉ trích trên mạng xã hội; ngôn từ thóa mạ, độc ác hơn cả sự thờ ơ rất nhiều lần. Vậy số tiền phạt phải lên đến bao nhiêu?
Chúng ta có thể cảm động rơi nước mắt trước những cảnh đời sống tạm bợ trong ống cống; có thể đau lòng vì trẻ em mồ côi giữa dịch bệnh Covid-19; cũng có thể bỏ nhiều tiền đi làm từ thiện; nhưng lại dễ dàng buông lời thóa mạ người khác. Vậy thì cái thiện thực sự là gì?
Mọi người muốn phân biệt đúng sai. Cái tốt được biểu dương, cái xấu cần vạch trần, là để người sau làm theo điều đúng, tránh làm điều sai. Nhưng nói lên sự thật không cần phải gây tổn thương, mạt sát. Có thể chỉ ra lỗi lầm bằng sự an hòa, khuyến thiện. Đó là tạo cho mình một cơ hội khoan dung, cũng là khiến lòng người cảm động mà tự nguyện sửa đổi. Cổ ngữ nói “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.
Trong đại dịch này, rất nhiều người không có bánh mỳ ăn…Nếu vô tình bắt gặp một người ăn trộm bánh mỳ, xin đừng vội tức giận và buông lời thóa mạ. Lòng khoan dung luôn có sẵn trong mỗi chúng ta!