Không chịu nổi cảnh làm việc quá sức, bị tra tấn, 42 người Việt làm việc ở sòng bài Campuchia đã tấn công bảo vệ, nhảy xuống sông bơi về nước.

42 lao động tháo chạy khỏi casino ở Campuchia bơi qua sông về nước

Khoảng 9 giờ 45 phút ngày 18/8, tại chốt Quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21 Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện 40 người từ Campuchia bơi qua sông Bình Di về Việt Nam.

Bước đầu nhóm người này khai trước đó xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia, họ hợp đồng làm việc tại một casino ở ấp Chrey Thum xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal.

Hàng chục người Việt tháo chạy khỏi casino ở Campuchia về nước – ảnh chụp màn hình clip.

Do thời gian làm việc quá nhiều, không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên cả nhóm tấn công bảo vệ casino và chạy ra cổng sòng bạc, 42 người nhảy xuống sông, nhưng một người bị bắt trở lại và một người đuối nước tử vong.

Liên quan đến vụ việc, chiều 20/8, Công an tỉnh An Giang, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (40 tuổi, cùng ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vì hai đối tượng này có liên quan đến vụ việc trên.

Nghi can Lê Văn Danh và Nguyễn Thị Lệ tại Công an – ảnh chụp màn hình VietNamNet.

Trước đó vào tháng 6/2022 Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận, trong vòng một năm qua, giới chức Việt Nam và Campuchia đã hồi hương khoảng 400 công dân Việt bị lừa bán sang lao động bất hợp pháp tại xứ Chùa Tháp. 

Các nạn nhân cho cảnh sát biết bất cứ ai muốn trở về Việt Nam đều phải liên hệ với gia đình và trả tiền chuộc từ 80 đến 100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị gia hạn tạm giam thêm 20 ngày

Ngày 18/8, Công an TP. HCM nêu trong kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt cao nhất 7 năm tù.

Phía Viện KSND TP.HCM cũng đã ra lệnh tạm giam thêm 20 ngày đối với bà Hằng. 

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn những nội dung về đời tư cá nhân gây ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ.

Quá trình điều tra, bà Hằng thừa nhận các thông tin nói về những người này là do mình “nằm mơ”, lấy trên Internet và chưa được kiểm chứng.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị đòi nợ hơn 800 tỷ đồng tiền thuế

Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa có công văn thông báo số tiền nợ thuế gửi Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Cụ thể, căn cứ dữ liệu tại cơ quan thuế, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình chưa nộp ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/7 là 855 tỷ đồng.

Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.

Trong đó, số tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31/7 là 479 tỷ đồng; số tiền chậm nộp là 376 tỷ đồng (số tiền thuế nợ phát sinh trong tháng 7 là 11,7 tỷ đồng). Số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là 839 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 6, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị Cục Thuế Hà Nội áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. 

Đức tạm công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam kèm điều kiện

Trong thông báo ngày 19/8, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, nước này sẽ tạm thời công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam với điều kiện điền thêm nơi sinh.

Đồng thời phía Đại sứ quán Đức cũng thông tin, việc cấp thị thực nhiều năm loại C (visa định cư dài hạn) bị dừng lại cho đến khi có quyết định mới. Chính phủ Đức nhấn mạnh rằng, sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và cũng như các đối tác Schengen.

Như vậy, hiện tại, chỉ còn 2 quốc gia châu Âu là Séc và Phần Lan vẫn tạm ngừng công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.

Từ 1/10, dữ liệu người dùng Internet tại Việt Nam phải được lưu trữ trong nước

Theo Zing quy định mới này nằm trong nghị định 53 vừa được chính phủ ban hành hôm thứ Tư 17/08/2022 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/10, được áp dụng đối với các tập đoàn như Google hay Facebook. 

Nghị định nêu rõ : “ Dữ liệu của toàn bộ người sử dụng Internet, từ thông tin tài chính và dữ liệu sinh trắc cho đến thông tin về sắc tộc và quan điểm chính trị, hoặc bất cứ các dữ liệu nào mà người sử dụng tạo ra khi truy cập Internet, đều phải được lưu trữ trong nước”.

Cũng theo nghị định mới được ban hành, các công ty nước ngoài có 12 tháng để thực hiện việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam sau khi nhận được chỉ thị của bộ Công An Việt Nam. Các công ty này phải lưu trữ dữ liệu trong một thời gian tối thiểu là 24 tháng.  

Từ Khóa: