Nói dối và nói thật có bao nhiêu cấp độ? Liệu rằng những lời nói dối “vô hại” có đúng là vô hại như quan niệm nhiều người vẫn nghĩ hay không?

Vấn đề nên nói thật hay nói dối luôn có những ý kiến trái chiều trong suy nghĩ của nhiều người. Có người cho rằng dù thế nào đi nữa cũng phải nói thật vì đó là thước đo nhân cách. Có người thì cho rằng có thể nói dối nếu như lời nói dối đó vô hại và không làm ảnh hưởng đến ai. Tuy vậy có thật sự tồn tại lời nói dối vô hại hay không? Mời độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết ở bên dưới.

Cấp độ nói thật và nói dối

Việc nói dối và nói thật ở các mức khác nhau đều có khả năng gây ra ảnh hưởng ở nhiều phương diện trong cuộc sống. Để hiểu rõ về điều này có thể chia nói thật và nói dối thành các cấp độ như sau:

Các cấp độ nói dối

  • Nói dối với mục đích “lợi mình – hại người”: Đây là hình thức nói dối mang tính chất vị kỷ và thiên về điều ác; hoàn toàn không nên phạm phải.
  • Nói dối nhằm “lợi mình và chẳng hại ai”: Có thể thấy đây là kiểu nói dối thường gặp trong cuộc sống. Tuy vậy, dù có được lợi nhưng khó lòng giữ được lâu dài vì “cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra”.
  • Nói dối để “có lợi cho người khác”: Cách nói dối này xuất phát từ ý định muốn giúp đỡ; không làm đối phương bị tổn thương. Những lời nói dối kiểu này có vẻ như cũng không gây hại gì; nhưng về lâu về dài cũng rất dễ đẩy người ta chìm sâu vào những kiểu gian dối khác. Thậm chí có lúc người được mình “giúp đỡ” sau khi biết rõ sự thật thì họ lại đau lòng và khổ sở nhiều hơn.
Các cấp độ nói dối
App chụp ảnh – một công cụ giúp con người nói dối về sắc đẹp (ảnh chụp màn hình thegioididong.com).

Các cấp độ nói thật

  • Nói thật để “lợi mình – hại người”: Có những sự thật mà khi được nói ra sẽ làm cho bản thân và những người mình quan tâm thu được lợi ích; nhưng song song với điều đó là mang đến tai họa và bất lợi cho người khác. Những lúc như vậy cũng nên cân nhắc suy nghĩ chứ không nhất định cứ phải nói ra sự thật. Thậm chí lời nói thật lúc này còn trở nên nguy hiểm hơn cả lời nói dối.
  • Nói thật để “có lợi cho người khác”: Đây là hình thức chia sẻ, giúp đỡ đứng ở góc độ cái thiện và vì người khác… Những lời nói này thường được đánh giá cao; nó cũng góp phần đem lại nhiều lợi ích cho mọi người.

Nói thật là tốt, nhưng không hẳn lúc nào cũng nên nói ra tất cả mọi điều. Có những sự thật sau khi nói ra sẽ khởi tác dụng bất thiện; gây nhiều hậu quả phụ diện, có thể làm ảnh hưởng xấu đến người khác; những sự thật kiểu như vậy có lẽ cũng cần thời gian để suy xét nhiều hơn trước khi quyết định có nói ra hay không.

Tác động của nói thật và nói dối đối với sức khỏe của con người

Con người hiện đại thường bỏ qua những lời “nói dối sạch” vì họ cho rằng chúng vô hại. Nhưng thực tế bất kể lời nói dối nào cũng đều có thể gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe của người nói; dù nó không làm tổn hại đến người khác.

Tác động của nói thật và nói dối đối với sức khỏe của con người
Khi nói dối con người sẽ phải tiêu tốn năng lượng để suy nghĩ; mục đích là tạo ra một câu chuyện mới để thuyết phục đối phương (ảnh: internet).

Theo các nhà khoa học thì việc nói dối đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với việc chỉ nhớ và kể lại sự việc lúc nói thật. Sự thật là ngay cả với điều đơn giản như chỉ giả vờ thích món ăn người khác nấu thì người ta cũng đã phải chịu áp lực không nhỏ lên tinh thần.

Cuộc nghiên cứu về những tác động của nói dối đối với con người

Anita Kelly và LiJuan Wang là hai nhà khoa học làm việc tại trường đại học Notre Dame đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về vấn đề này. Họ tuyển 110 người có độ tuổi từ 18 đến 71 tuổi để thực hiện khảo sát trong 10 tuần. Nhóm người được chia làm đôi; 55 người trong số đó được hướng dẫn rõ ràng về cách tránh nói dối; họ có thể không trả lời hoặc không biểu lộ thái độ, cảm xúc khi không thể nói thật; 55 người còn lại không được hướng dẫn; họ chỉ cần tự giác cho biết đã nói dối bao nhiêu lần trong tuần qua.

Không nói dối giúp cơ thể của con người khỏe mạnh hơn

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy, cả hai nhóm đều nói dối ít hơn. Nhưng báo cáo còn thể hiện thêm rằng nhóm người nhận hướng dẫn cách để tránh nói dối đã cải thiện được sức khỏe và các mối quan hệ của họ; tình trạng khó ngủ, căng thẳng, đau đầu, đau họng đều có dấu hiệu ít đi.

Không nói dối giúp cơ thể của con người khỏe mạnh hơn
Nói dối có thể khiến não bộ và cơ thể căng thẳng từ đó dẫn đến nhiều bệnh tật (ảnh: internet).

Kelly nói: “Chúng tôi đã thiết lập rất rõ ràng rằng cố tình không nói dối khiến mọi người nói dối ít hơn”. “Khi họ nói dối nhiều hơn, sức khỏe của họ giảm xuống. Và khi họ nói sự thật, nó đã được cải thiện”.

Hẳn là vậy nên tục ngữ Việt Nam xưa cũng có câu : “Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành”. Quả thật là thú vị!

Cho dù là đứng ở góc độ khoa học hay văn hóa truyền thống thì tất cả những lời nói dối đều không nên tồn tại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta thật sự cần nghiêm túc hơn trong việc kiểm soát những lời nói của mình để tránh được những chuyện xấu xảy đến với bản thân và những người xung quanh.

Học cách im lặng để không nói dối và nói thật đúng lúc

Nếu thật sự băn khoăn khi không biết nói thật hay nói dối trong một trường hợp nào đó; hãy thử nghe qua câu chuyện cổ dưới đây để có một gợi ý cho hướng hành xử phù hợp.

Nhà sư khất thực và tình huống khó xử

Câu chuyện kể về sự việc xảy ra trên đường đi khất thực của một nhà sư; trong lúc chủ nhà cúng dường thực phẩm cho vị sư này đã vô tình làm rớt chiếc nhẫn đeo trên tay xuống đất. Thật không may là có một con ngỗng nuôi trong gia đình đã ăn nhầm và vô tình nuốt vào bụng.

Nhà sư đứng trước sự việc này cảm thấy vô cùng khó xử. Nếu nói thật thì chủ nhà sẽ mổ bụng con ngỗng để lấy nhẫn; như vậy chẳng phải hại chết nó sao. Còn nói dối thì cũng không được vì sẽ phạm giới luật. Cuối cùng nhà sư lựa chọn cách im lặng và quyết định rời đi.

Nên làm gì khi khó lòng nói thật?

Thế nhưng ngay lúc sư chuẩn bị đi thì chủ nhà phát hiện ra là chiếc nhẫn đã bị mất. Họ đến hỏi nhà sư thì sư tỏ vẻ lúng túng và không trả lời. Chủ nhà tỏ ra nghi ngờ vì thái độ kỳ lạ của nhà sư. Vị sư càng im lặng thì họ càng tỏ vẻ hằn học vì nghĩ rằng chính sư là người trộm nhẫn do lòng tham nổi lên.

Lúc này nhà sư lại bị vướng vào sự tình oan khuất. Nhưng nếu nói ra sự thật để minh oan thì con ngỗng phải chết. Còn nếu nói rằng không thấy chiếc nhẫn đâu thì lại phạm phải tội nói dối. Vậy là nhà sư lại tiếp tục im lặng.

Một lúc sau con ngỗng bỗng lăn quay ra chết; có lẽ vì nuốt phải chiếc nhẫn có kích thước quá lớn. Và sau khi sự việc xảy ra nhà sư đã từ tốn nói: “Chiếc nhẫn hiện tại đang nằm ở trong bụng con ngỗng đó.”

Nói dối và nói thật có những cấp độ nào? Lợi và hại ra sao?
Khi không thể nói ra sự thật vì nó có thể hại người thì im lặng cũng chính là một sự lựa chọn (ảnh: internet).

Người xưa cũng có câu ông Trời không tuyệt đường người. Nếu cứ nhất mực giữ lòng ngay thẳng, không vì lợi của bản thân mà chấp nhận gây hại cho người khác thì cuối cùng đường đi cũng sẽ hanh thông.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguồn video: KTN Sống Đẹp.