Ông Lâm tự tay cầm rựa phá bỏ hơn 1.500 trụ thanh long, khi giá trái cây này bán tại vườn chỉ 1.000-2.000 đồng một kg mà vẫn ế.

Chủ vườn thanh long: “Càng làm càng chết”

Theo VnExpress, ông Phạm Kim Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), là một trong nhiều nhà vườn đang chặt bỏ thanh long vì thua lỗ.

10 năm trước, khi thanh long có giá, ông Lâm dồn vốn lập vườn. Mấy năm đầu được giá, thanh long là nguồn thu chính của gia đình.

Từ năm ngoái, thanh long rớt giá liên tục; bị thua lỗ nặng, ông ngừng đầu tư. Cố gắng vay mượn lo chi phí bơm tưới, phân bón cầm cự, ông Lâm hy vọng giá thanh long tăng trở lại. Nhưng từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đóng cửa khẩu, giá thanh long rớt mạnh. Thanh long chín rũ song không có người mua, hoặc thương lái chỉ trả giá 1.000-2.000 đồng/kg.

Quá khó khăn, ông Lâm và con trai buộc phải cầm rựa phá hết thanh long trong vườn. Kế hoạch trước mắt trồng cây hoa màu như: bắp, đậu… hoặc chỗ trũng sẽ xới lại đất làm lúa.

“Càng làm càng chết”, ông Lâm nói trên VnExpress. Theo ông, hiện chỉ những gia đình có của ăn của để mới dám giữ lại vườn thanh long.

Cùng cảnh, anh Thế Anh (huyện Hàm Thuận Nam) phải bỏ 200 triệu đồng thuê người, xe múc nhổ 3.000 trụ thanh long đang trong giai đoạn ra trái sung nhất. Ba lứa gần đây, thanh long được mùa, nhưng giá chưa bao giờ được 5.000 đồng/kg khiến anh lỗ nặng. Trước mắt, chủ vườn định “trồng mít, mãng cầu hay dừa xiêm gì đó rồi tính tiếp”.

Cây thanh long đã qua thời kỳ hoàng kim?

Chưa có số liệu chính xác toàn tỉnh Bình Thuận có bao nhiêu ha thanh long bị chặt bỏ; nhưng thống kê từ huyện Hàm Thuận Bắc có thể giúp hình dung bức tranh tổng thể.

Cụ thể, theo báo Dân Việt, trong một năm, riêng huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 1.500 ha thanh long bị chặt bỏ; chiếm khoảng 15% tổng diện tích trồng loại cây này.

Đây là thực tế đáng buồn, khi thanh long từng được ca ngợi là “cây làm giàu”! Câu hỏi nhiều người đặt ra là thanh long đã “hết thời” để nông dân Việt sinh kế, chưa nói đến làm giàu?

Ở một góc nhìn, tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (thuộc Bộ NN-PTNT) nhận định trên Người Lao động, cây thanh long đã qua thời hoàng kim.

Theo ông Hải, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu của Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh loại cây này cả về diện tích lẫn sản lượng. Nếu năm 2010, Trung Quốc mới chỉ có 11.000 ha thanh long thì đến nay diện tích đã tăng lên 53.000 ha. Số diện tích này đã tiệm cận tổng diện tích trồng thanh long của Việt Nam, là hơn 64.000 ha.

Hơn 10 năm trước, Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trái thanh long Việt Nam nên giá bán tại vườn có lúc trên 20.000-30.000 đồng/kg. Nay Trung Quốc sản xuất 1,6 triệu tấn thanh long/năm, so với khoảng 1,3 triệu tấn của Việt Nam; nên họ không muốn nhập khẩu nhiều như trước.

Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Thanh Niên.

Trở lại với Bình Thuận, tính đến năm 2021, diện tích trồng thanh long khoảng 33.750 ha. Trên báo Bình Thuận, một bài viết cho rằng, diện tích thanh long ở Bình Thuận liên tục phát triển “nóng”, vượt xa quy hoạch (đến năm 2025 đạt 30.000 ha), tập trung ở Hàm Thuận Nam (15.000 ha), Hàm Thuận Bắc (9.000 ha), Bắc Bình (4.700 ha)…

Bài viết cho rằng “người dân cứ tự phát mạnh ai nấy trồng”. Hậu quả là cạn kiệt nguồn nước tưới, quá tải nguồn cung ứng điện, thị trường, giá cả tiêu thụ luôn bấp bênh do khủng hoảng thừa, cung vượt cầu…

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến lo và xót xa cho người nông dân. Nhiều người cho rằng, câu chuyện về thanh long là thực tế của vòng luẩn quẩn “trồng – chặt” luôn đeo chân người nông dân. Đáng nói thêm là “vòng luẩn quẩn” này tồn tại mấy chục năm nay, nhưng vẫn chưa bao giờ “hóa giải” được.