Bơi lội là một môn thể thao mà nhiều người yêu thích, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Nó giúp cơ thể sảng khoái, linh hoạt và thư giãn. Tuy nhiên, nước bể bơi có nhiều loại hóa chất trong đó có Clo. Chất này làm cho tóc bị khô, xơ và rối. Đối với da có thể gây ra khô da và ngứa. Vậy các loại hóa chất cơ bản dùng cho bể bơi là gì và tác động của chúng đối với cơ thể người như thế nào?

Những chất hóa học thường dùng để chăm sóc nước bể bơi

Nước trong bể bơi tiêu chuẩn có chứa thành phần khử khuẩn Clo và nhiều loại hóa chất khác. Dưới đây là một số loại hóa chất thường dùng nhất

Sunfat Đồng

Đây là loại hóa chất dùng cho bể bơi có ở dạng tinh thể hoặc bột màu xanh. Do vậy nó còn được gọi bằng những cái tên như là phèn xanh hay đá xanh. Đồng Sunfat thường được sử dụng cho nước bể bơi với mục đích diệt và ức chế sự phát triển của rêu tảo, mang lại trong xanh cho nguồn nước.

Hóa chất pH+/pH-

Loại hóa chất này được sử dụng để cân bằng độ pH trong nước. Thông thường, nồng độ pH tiêu chuẩn mà nước bể bơi phải đạt được là ở ngưỡng từ 7.1-7.6. Nước bể bơi sẽ luôn cần được cân bằng ở nồng độ này để đảm bảo được nước không quá cứng hoặc quá mềm. Nước ổn định độ Ph cũng giúp hạn chế một cách tối đa sự phát triển của rêu tảo và những vi sinh vật gây hại khác. Chính vì thế mà đây là loại hóa chất thường dùng khi vận hành bể bơi.

Chất trợ lắng PAC

Là sản phẩm được sử dụng cho hồ bơi với mục đích làm kết dính các tạp chất lơ lửng trong nước và lắng xuống đáy bể. Việc làm lắng này sẽ giúp cho quá trình vệ sinh diễn ra dễ dàng hơn, giúp cho bể bơi trong sạch hơn.

Để có làn nước trong xanh và giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh trong bể bơi, các cơ sở kinh doanh phải sử dụng một số hóa chất, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến làm da và mái tóc của chúng ta. (Ảnh Pixabay).
Để có làn nước trong xanh và giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh trong bể bơi, các cơ sở kinh doanh phải sử dụng một số hóa chất, điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến làm da và mái tóc của chúng ta. (Ảnh Pixabay).

Clo

Là chất sát trùng có tác dụng làm sạch khuẩn trong nước bể bơi, đảm bảo bể bơi an toàn nhờ khả năng diệt khuẩn (phá hủy bề mặt vi khuẩn và vi rút). Nước không sử dụng Clo sẽ gây ra các mầm bệnh; trong đó có vi khuẩn gây nhiễm trùng da mãn tính sẽ phát triển mạnh trong nước bể bơi.

Ngoài ra còn một số loại hóa chất dùng cho bể bơi nữa. Trong số các loại hóa chất thì dùng với liều lượng theo quy định thì không có tác hại nhiều cho cơ thể. Tuy nhiên Clo dù định lượng ít cũng vẫn gây ra tổn thương cho tóc và da.

Clo làm cho lớp dầu trên bề mặt tóc bị hòa tan, làm cho các biểu bì tóc thiếu sự kết dính. Hậu quả là lớp vỏ ngoài của tóc không được phòng vệ, dễ dàng tách rời, tạo ra các đứt gãy, xơ rối. Những người nhuộm tóc cần hết sức thận trọng khi xuống bể bơi do tác động của chất Sunfat Đồng trong bể bơi sẽ làm tóc chuyển màu xanh. Đối với da, Clo cũng gây khô, thậm chí với những người mẫn cẩm có thể bị ngứa, dị ứng.

Chăm sóc tóc khi xuống bể bơi

Làm ướt mái tóc bằng nước sạch trước khi xuống bể bơi là điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ nước sạch sẽ ngấm trước vào tóc; giúp hạn chế nguy cơ tóc bị tổn hại do ảnh hưởng của hóa chất có trong nước bể bơi.

Tiếp đó nên xức tinh dầu đều từ chân tóc đến ngọn tóc, lớp tinh dầu bao phủ trên mái tóc này sẽ làm cho mái tóc được bảo vệ tránh khỏi tình trạng xơ gãy. Có thể lựa chọn những loại tinh dầu như: Tinh dầu arga, dầu ôliu, dầu dừa, dầu vừng…

Trước khi đi bơi, bạn nhớ mang theo một chiếc mũ bơi, nó giúp hạn chế được tối đa nguy cơ mái tóc bị tổn hại do nước bể bơi gây ra. Để giúp cho mái tóc tránh khỏi sự xâm nhập của nước bể bơi cũng như các loại hóa chất có trong nước, nên cố gắng để hạn chế tóc tiếp xúc với nước bể bơi. Với mái tóc dài, bạn hãy cuốn tóc lên trước khi đội mũ bơi.

Gội lại tóc với nước thường sau khi đi bơi bằng dầu gội đầu và dầu xả để trừ bỏ hóa chất Clo bám trên mái tóc. Có thể gội đầu bằng chanh tươi để cân bằng pH cho tóc. Thoa dầu xả lên tóc, để khoảng 5 – 7 phút và gội sạch lại với nước thường.

Cách chăm sóc da khỏi tác động của nước bể bơi

Để bảo vệ làn da nhạy cảm trước khi xuống bể bơi, nên sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng da (Ảnh Pixabay)
Để bảo vệ làn da nhạy cảm trước khi xuống bể bơi, nên sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng da (Ảnh Pixabay).

Bôi kem chống nắng nếu bạn đi bể bơi ngoài trời, đây là điều tối quan trọng. Khi thoa kem, cần thoa kỹ đến vùng tai, cổ, chân và những vùng nhạy cảm khác trên cơ thể. Kem chống nắng sẽ giúp làn da không bị ảnh hưởng bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời; loại trừ nguy cơ ung thư da. Kem chống nắng hiệu quả có chỉ số SPF trên 30 và không thấm nước.

Không nên đi bể bơi ngoài trời trong khoảng thời gian từ sau 10h sáng đến 15h chiều vì lúc này tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh mẽ nhất, gây nguy hại cho làn da.

Ngoài ra trước khi đi bể bơi, nên uống đủ lượng nước mà cơ thể cần để không bị mất nước trong quá trình bơi, vì điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe của làn da. Khi được cung cấp đủ nước thì làn da sẽ căng bóng. Ngược lại, nếu thiếu nước thì làn da sẽ nhanh bị lão hóa, sinh ra nhiều nếp nhăn và mất độ tươi sáng.

Sau khi bơi xong, cũng giống như mái tóc, làn da cũng cần được chăm sóc cẩn thận. Nên tắm kỹ lại với sữa tắm và nước thường để loại trừ Clo bám trên da. Một chút kem dưỡng ẩm thoa thêm có thể giúp tăng cường độ ẩm cho làn da.

Chọn lựa của bạn

Bể bơi công cộng là nơi tồn chứa rất nhiều ô nhiễm từ các nguồn khác nhau. Từ bụi bẩn, vi khuẩn, phân chim đến các nguồn lây nhiễm từ chính con người. Các loại hóa chất dành cho nước bể bơi nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm trên.

Vì vậy, việc tiếp xúc với hóa chất ở bể bơi là không thể tránh khỏi. Bạn hãy tự phòng tránh và khắc phục để bảo vệ chính mình bằng những gợi ý mà chúng tôi đã đưa ra.

Xem thêm: