Ở xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) mọi người đều biết vợ chồng ông Đinh Xuân Diễn và bà Hà Thị Hoa. Gần 60 năm nay, gia đình ông bà đều nhận những học sinh xa nhà đến ở trọ, còn nấu ăn miễn phí cho các cháu.
Nói về việc cho học sinh đến ở trọ, bà Hoa vui vẻ chia sẻ rằng ông bà đã làm như vậy gần 60 năm nay và muốn làm đến bao giờ không còn sức nữa. “Giờ các cháu không đến ở, thiếu đi tiếng nói cười của các cháu chúng tôi nhớ lắm, nhớ khéo phát ốm ấy mất”, bà Hoa nói với Eva.
Tóm tắt nội dung
Vì sao ông Diễn và bà Hoa cho học sinh ở miễn phí?
Bà Hoa kể, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, nơi này nghèo nàn lắm. Người dân lo miếng ăn còn chưa đủ, chẳng ai quan tâm đến học; trường học hiếm hoi. Học sinh muốn đi học phải trải qua quãng đường xa, mất nửa ngày mới đến trường. Vì vậy, nhu cầu nhà trọ trở thành cần thiết để thuận tiện cho các em đi lại học hành.
Lúc bấy giờ, cha của ông Diễn là cụ Đinh Công Hiệu nhà ở gần trường học; nên rất nhiều người đưa con đến xin trọ học. Dù gia cảnh nghèo khó nhưng cụ Hiệu nhất định không lấy tiền trọ học của học sinh.
Cha truyền con nối; sau này khi bố mất, ông Diễn và bà Hoa vẫn tiếp tục cho học sinh ở trọ không lấy một đồng. Bà Hoa nói rằng đời bố mẹ chồng đã thế thì đến đời mình tiếp nối như một lẽ tự nhiên. Ông Diễn chia sẻ thêm đây là truyền thống gia đình rồi, và ông thấy vui khi được giúp đỡ người khác. “Thấy các cháu được đến trường và trưởng thành là chúng tôi đã hạnh phúc lắm rồi”.
Cứ như thế mấy chục năm nay, ông bà đã quen với cảnh có các cháu trong nhà. Khi học sinh nghỉ hè là ông bà thấy nhớ vô cùng.
“Nhớ nhất là khoảng thời gian con cái còn nhỏ; mình không lấy tiền của các cháu học sinh nhưng các cháu giúp mình cũng rất nhiều. Có những hôm các cháu bế, trông con cho tôi đi làm nương hay đi bẻ măng… Sau này, các con lớn lên có khi còn đòi ngủ chung với các chị học sinh; đắp chung nhau cùng một cái chăn,… hồi đó vui lắm”, bà Hoa nói với Doanh nghiệp và Tiếp thị.
Ông bà chăm sóc học sinh ở trọ như con cháu của mình
Cách đây 10 năm, ông bà sửa sang lại nhà cửa, còn sắm sửa quạt, điều hòa, giường chiếu, tủ sách đầy đủ để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học hành.
Ngày nào cũng vậy, tự tay ông Diễn đi chợ, nấu nướng đầy đủ 3 bữa ăn cho cả gia đình. Thậm chí nếu có hôm đi ăn cỗ, ông cũng phải nấu xong rồi mới đi; để các cháu tan học về có cái ăn. Ông kể cứ 8 giờ sáng đi chợ, sau đó nấu cơm chờ các cháu đi học về dùng bữa. Rồi 3 giờ chiều ông lại ra chợ mua thêm thức ăn chuẩn bị cho bữa tối.
Phụ huynh đưa tiền nhất định không lấy
“Lương hưu của tôi chỉ hơn 5 triệu, bà nhà tôi không có lương; nhưng vẫn đủ để nuôi các cháu ăn, ở. Tôi không lấy khoản nào của các cháu. Nhiều lúc bố mẹ các cháu ép lấy tiền điện tiền nước nhưng tôi nhất định từ chối; còn nếu họ góp chút gạo, chút thức ăn thì tôi mới nhận”, ông Diễn chia sẻ.
Ba học sinh lớp 11 hiện đang ở trọ nhà ông Diễn đều ở xã Khả Cửu; cách trường khoảng 15km. Một em nói “Lần đầu tiên sống xa nhà, chúng em bỡ ngỡ lắm, thấy lo sợ nữa. Lúc nào cũng chỉ muốn bỏ về với bố mẹ, nhưng nay thì quen rồi. Ở đây với ông bà và cô chú hiền lắm, chúng cháu ở đây cũng thoải mái như ở nhà”.
Ông bà coi các em như con cháu, nên các em cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà. Giữa thời đại coi trọng vật chất như hiện nay, hành động của ông bà quả thật đáng quý! Đó chính là “thương người như thể thương thân”.
Xem thêm:
- 7 năm may chăn tặng người nghèo, cụ bà 80 tuổi nói: “Người ta đắp chăn, lòng tôi cũng ấm”
- Cặp vợ chồng miền Tây xây nhà đón ‘người dưng’ chạy thận về ở miễn phí
- Cụ ông 82 tuổi làm di chúc để lại nhà 12 tỷ giúp người nghèo
- 100 tỷ và tấm lòng của người đàn ông nuôi những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt