Trong lúc hoảng sợ, ông P. (trú tại Quận Long Biên) cung cấp mã OTP cho người mạo danh là cán bộ Công an TP. Đà Nẵng; sau cuộc điện thoại tài khoản ngân hàng bị bốc hơi 317 triệu đồng.
Nguồn tin từ báo Người Lao Động cho biết, chiều 5/10 Công an TP. Hà Nội đang phối hợp với Công An quận Long Biên để điều tra, làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng với thủ đoạn mạo danh là cán bộ Công An TP. Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 1/10, ông P. (51 tuổi), trú tại P. Bồ Đề, Q. Long Biên làm đơn trình báo với Công An quận về việc ông bị lừa mất hơn 300 triệu.
Theo đơn trình báo, ông P. nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ và tự xưng là Công an TP.Đà Nẵng. Người này thông báo ông P. có quyết định bắt tạm giam vì liên quan tới đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Sau đó yêu cầu ông P. giải trình tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP. Trong lúc hoảng loạn, ông P. làm theo hướng dẫn và thấy tài khoản bị rút mất 317 triệu đồng. Lúc này ông P. mới biết mình bị lừa và đi trình báo.
Nhiều người mất hàng trăm triệu đồng do tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo
Trước đó, tờ Thanh Niên đưa tin, ngày 21/9 Công an quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra vụ lừa đảo chiếm gần 400 triệu đồng khi nhấn vào tin nhắn kiểm tra tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, sau khi nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung “tài khoản ngân hàng của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ… vui lòng ấn vào đường link để kiểm tra”, người đàn ông làm theo hướng dẫn thì tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng.
Một trường hợp khác là của bà T. ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Bà nhận được một cuộc điện thoại lạ từ người tự xưng là cán bộ điện lực.
Người này thông báo căn cước công dân (CCCD) của bà T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP.HCM và đang nợ tiền. Ngoài ra còn bảo CCCD của bà T. đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến vụ buôn bán chất cấm. Đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh. Bà T. hoảng sợ nên đã làm theo yêu cầu; cung cấp số tài khoản và mã OTP. Sau đó, 520 triệu đồng trong tài khoản của bà T. không cánh mà bay.
Người dân cần đề cao cảnh giác
Ngày 20/9, báo VietNamNet cũng chia sẻ trường hợp bị lừa khi ấn vào đường link lạ rồi sau đó bị chiếm đoạt tài khoản.
Các đối tượng lập nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau và tạo trang tuyển dụng; cộng tác viên trên toàn quốc làm việc tại nhà, trả lương qua tài khoản ngân hàng. Khi ai có nhu cầu xin việc, họ sẽ bị yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng bằng cách ấn vào đường link có sẵn với lý do để trả lương; nhưng thực chất là chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Trước tình hình liên tục có những vụ lừa đảo xảy ra, Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân khi phát sinh vấn đề, cơ quan sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập chứ không yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng, mã OTP… Vì vậy người dân tuyệt giữ bí mật tài khoản ngân hàng của mình.