Tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên đang trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Á, theo nhận định của giới quan sát.

Nikkei Asia đưa tin, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ ra vấn đề này trong một báo cáo gần đây. Báo cáo cho biết Triều Tiên sẽ thiếu hụt khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm 2021; nghĩa là thiếu lương thực khoảng 2 tháng so với nhu cầu bình thường.

Thiếu lương thực trầm trọng, người già và trẻ em buộc phải đi xin ăn

Chính phủ Triều Tiên đã cố gắng để người dân tự cung cấp thực phẩm nhưng không thành công. Các hãng thông tấn trong nước đang đưa tin về những trường hợp chết đói. Số lượng trẻ em và người già phải đi ăn xin gia tăng.

Theo ông Jiro Ishimaru, Tổng biên tập của tờ AsiaPress (Nhật Bản), tình trạng thiếu lương thực hiện tại của Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở châu Á. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã không được truyền tải đến thế giới.

Hệ thống phân bổ lương thực của nước này dường như cũng đã sụp đổ. Nhiều khu vực nhận được rất ít hoặc không có nguồn cung cấp trong nhiều tháng liền.

Theo nguồn tin, các gia đình có thể nhận được “tám phần ngô và hai phần gạo nếp – tùy thuộc vào quy mô của gia đình”.

Theo báo cáo gần đây của tờ Daily NK, những công dân bị bắt quả tang “tích trữ” thực phẩm có thể phải đối mặt với việc bị xử tử.

Một thành viên nghiên cứu tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển ở Stockholm, Gianluca Spezza cho biết tình hình lương thực hiện nay ở Triều Tiên là “rất tồi tệ”.

Ông cho rằng: “Triều Tiên vốn đã ở trong tình trạng bất ổn từ trước Covid-19 vì họ chỉ có một người bảo trợ và một người mua là Trung Quốc”.

Tình trạng bất ổn này đang ngày càng trở nên trầm trọng do các lệnh trừng phạt, dịch Covid-19 và việc đóng cửa biên giới kéo dài. Triều Tiên đã buộc phải đóng cửa biên giới khi đại dịch Covid-19 bùng phát tháng 1/2020.

Theo ông Spezza, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Triều Tiên có thể sẽ “khiến toàn bộ dân số dễ mắc bệnh hơn. Vì khan hiếm thực phẩm buộc mọi người phải ra ngoài kiếm ăn”.

Người dân Triều Tiên đang cố gắng tồn tại sống qua ngày

Theo Giám đốc điều hành của Ủy ban Nhân quyền ở Triều Tiên (HRNK), Greg Scarlatoiu: “Do các hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới được áp đặt với lý do ngăn chặn Covid-19; mức độ an toàn của người Triều Tiên giờ còn nghiêm trọng hơn so với trước đó”.

Chính quyền Kim Jong Un đã tăng cường các cuộc đàn áp và giám sát biên giới để ngăn chặn buôn lậu và đào tẩu. Nước này đang cố gắng sử dụng công nghệ 5G để theo dõi tình hình dọc biên giới từ xa bằng camera giám sát.

Đây là một tin “tồi tệ” đối với những người dân bình thường đang cố gắng tồn tại qua ngày. Theo báo cáo gần đây của RFA, do không có thu nhập nhiều người dân đã làm hàng giả; hoặc buôn bán phim điện ảnh nước ngoài để kiếm sống. Nếu bị phát hiện người dân sẽ bị trừng phạt với nhiều hình phạt, trong đó có các án phạt tại các trại lao động cưỡng bức.

Mặc dù tình hình lương thực đã nhận được sự quan tâm của quốc tế; nhưng ít người biết về sự thật dịch bệnh Covid-19 tại Triều Tiên. Một năm rưỡi sau đại dịch, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố không có trường hợp nhiễm bệnh nào.

Tuy nhiên, gần đây tờ Daily NK đưa tin, người dân Triều Tiên không chỉ bị nhiễm Covid-19 mà còn tử vong sau khi họ rời khỏi các cơ sở y tế.

Ông Spezza nói thêm: “Bất cứ lợi ích nhỏ nào mà Triều Tiên đạt được có thể sẽ bị tiêu tan bởi tình trạng đóng cửa kéo dài”.