2 người chết, 200 thuyền bị chìm do mưa lớn dị thường ở miền Trung; Ngang ngược xiết món nợ “khó tin”; 5 ôtô đâm liên hoàn trên đường dẫn cao tốc Trung Lương… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 2/4/2022.

2 người chết, 200 thuyền bị chìm do mưa lớn dị thường ở miền Trung

Theo thống kê thiệt hại ban đầu, 2 người chết (Phú Yên 1, Quảng Nam 1) và một người mất tích do chìm ghe. Ngoài ra, có 2 nhà sập; 37 nhà tốc mái; 229 ghe, thuyền bị chìm, các địa phương đang trục vớt, khắc phục; 2.450 lồng bè thiệt hại; 6 điểm giao thông bị sạt lở.

Mưa lũ cũng khiến 2.714 ha lúa và 7.114 ha hoa màu bị ngập úng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay trong 6 giờ tới, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ Quảng Trị đến Quảng Nam (đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Vietjet báo lãi 100 tỷ đồng

Theo cáo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 của Vietjet, doanh thu từ vận tải hành không là 2.789 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất cả năm là 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 51.785 tỷ đồng, chỉ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu 0,91 lần và chỉ số thanh khoản 1,63 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Ngang ngược xiết món nợ “khó tin”

Theo tố cáo của bà Phạm Thị Ngọc Yến (sinh năm 1962; ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức, TP. HCM), gia đình bà làm nghề buôn bán nhỏ ở quận 2 cũ (nay là TP. Thủ Đức). Trước khi mất, cha mẹ có để lại cho bà và anh chị em trong gia đình nhiều đất đai. Năm 2015, do cần tiền làm ăn, bà Yến vay của người đàn ông tên T. “biển” (chuyên cho vay ở TP. Thủ Đức) số tiền 1,7 tỷ đồng với lãi suất 30%/tháng. Tất cả giấy tờ vay tiền T. “biển” đều giữ, lãi suất thì nhận trực tiếp bằng tiền mặt.

Đầu năm 2016, do tiền lãi quá cao, bà Yến không có khả năng chi trả. T. “biển” bèn giới thiệu cho bà vay 500 triệu đồng của người phụ nữ tên Vân (sau này bà Yến mới biết là vợ của T. “biển”) để trả cho T. “biển”. Sau đó, T. “biển” nhiều lần giới thiệu bà Yến vay của bà Vân.

Đến năm 2017, bà Yến phải trả nợ cho T. “biển” và bà Vân số tiền lên đến 20 tỷ đồng mặc dù khoản vay lúc đầu chỉ 1,7 tỷ đồng.

đòi nợ
Ảnh chụp màn hình trên báo Người Lao Động.

Chưa dừng lại ở đó, T. “biển” còn ép bà Yến 2 lần ký giấy vay nợ 130 cây vàng của người đàn ông tên A. (ngụ quận 5) vào tháng 6/2016 và tháng 7/2017 với lãi suất 10%/tháng. “Lợi dụng sự hoảng loạn và hạn chế về hiểu biết của tôi, T. “biển” đã nhiều lần ép tôi ký vào giấy nợ đã viết sẵn. Khi số tiền nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, T. “biển” ép tôi cầm cố nhiều bất động sản, bán nhiều đất đai để trả nợ” – bà Yến kể.

Nhóm T. “biển” còn ép ông Lê Huỳnh Xuân (em ruột bà Yến) tham gia một dự án bất động sản để gán diện tích đất 1.800 m2 ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức của gia đình ông vào nợ của T. “biển”.

Đến giữa năm 2020, bà Yến được nhóm T. “biển” thông báo còn nợ số tiền hơn 82 tỉ đồng. Lúc này, bà Yến và ông Xuân không thể chịu đựng được nữa nên làm đơn cầu cứu đến cơ quan công an (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).

5 ôtô đâm liên hoàn trên đường dẫn cao tốc Trung Lương

Tối 1/4, xe tải chạy trên đường dẫn cao tốc TP HCM – Trung Lương, hướng từ miền Tây về Sài Gòn. Khi đến xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), ôtô này bị xe đầu kéo tông từ sau.

Xe tải lao về trước, húc ôtô 5 chỗ đang dừng ngay điểm mở chờ qua đường, khiến xe này văng sang làn ngược lại. Ôtô con tiếp tục va chạm liên hoàn với ôtô 7 chỗ và xe tải, trước khi lao vào lề.

Tai nạn không gây thương vong, nhưng khiến năm xe hư hỏng, trong đó chiếc 7 chỗ lật ngửa, nhiều bộ phận rơi vãi trên đường. Cao tốc bị ùn tắc hơn 4 km, cảnh sát giao thông có mặt điều tiết, đến 4 giờ sau đoạn đường thông thoáng trở lại (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).

Choáng trước giá vật liệu xây dựng tăng cao

Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội cho thấy, một số loại VLXD liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm.

Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).