Tổng thống Vladimir Zelensky cho biết Ukraine sẽ tái chiếm khu vực Donbass, hiện đã bị lực lượng Nga chiếm giữ gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, một số lý do khách quan có vẻ như không ủng hộ cho tuyên bố này của ông.

Trong bài phát biểu hàng ngày vào tối Chủ nhật (28/8), Tổng thống Zelensky nói:

“Chúng tôi không quên và sẽ không quên bất kỳ thành phố nào và bất kỳ người dân nào của chúng tôi

“Bây giờ Donbass gần như bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Nga, bị tàn phá. Vùng Donetsk kiêu hãnh và huy hoàng đã bị làm nhục bởi sự chiếm đóng và cướp bóc của Nga. 

Nhưng Ukraine sẽ trở lại. Chắc chắn. Cuộc sống sẽ trở lại. Phẩm giá của người dân Donbass sẽ trở lại. Khả năng sống sẽ trở lại. Cơ hội để sống an toàn và hạnh phúc“.

Theo Tổng thống Zelensky, đây là những gì mà lá cờ Ukraine sẽ tung bay “khi chúng tôi thiết lập nó ở Donetsk, Gorlovka, Mariupol, ở tất cả các thành phố Donbass, khu vực Azov, trong tất cả các khu vực bị Nga chiếm đóng, thêm ở các vùng Kharkov, Zaporozhye, Kherson. Và chắc chắn là ở Crimea”.

Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm Nhà Trắng công bố gói viện trợ quân sự 3 tỷ USD cho Ukraine.

Đây được cho là khoản viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng cách đây 6 tháng

Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ đang trợ giúp Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công sắp xảy ra nhằm vào Nga. Tháng trước, một số quan chức hàng đầu của Ukraine cho rằng quân đội nước này sẽ tiến hành một cuộc phản công ở miền nam vào tháng 8 để chiếm lại thành phố Kherson.

Tuy nhiên cho đến nay, Ukraine vẫn chưa tiến hành cuộc phản công nào tại Kherson cũng như một số khu vực mà Tổng thống Zelensky vừa liệt kê bên trên.

Có một thực tế là, Ukraine hiện đang rất khó khăn khi các khoản hỗ trợ tài chính và viện trợ vũ khí của châu Âu đang giảm sút. Trong suốt tháng 7,các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối thực hiện lời hứa cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Xem thêm: 6 nước EU từ chối cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Putin dự đoán viện trợ của EU sẽ giảm dần

Thêm nữa, cả châu Âu lẫn Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh Nga cắt giảm khí đốt khi mùa đông đang gần kề.

Mục tiêu của chính quyền Kyiv là tích trữ đủ 19 tỷ m3 khí đốt trước mùa đông năm nay, để trấn an người dân nước này đang có nguy cơ đối mặt với một mùa đông lạnh giá do thiếu năng lượng trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Điều trớ trêu là Ukraine đã từ bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga từ năm 2015 và hiện mua khí đốt từ các nước còn lại của châu Âu. Nhưng chính các nước trong khối EU hiện lại đang vật vã với việc thiếu hụt khí đốt do Nga đã cắt giảm lượng cung cấp xuống còn 20%.

Trong khi ấy, các nhà lãnh đạo châu Âu lại đang lo ngại chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn. Đó là một cuộc chiến không có hồi kết.

Xung đột càng kéo dài thì càng đẩy Ukraine vào tình trạng kiệt quệ mọi thứ, đặc biệt khi nguồn tài chính và quân sự của chính quyền Kiev đều phụ thuộc vào sự viện trợ của Mỹ và EU.

6 tháng kể từ xung đột Nga-Ukraine, sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu đối với Ukraine trên danh nghĩa vẫn mạnh mẽ và thống nhất.

Tuy nhiên, sự đồng thuận trong khối EU có thể nhanh chóng tan rã khi châu lục này bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, khủng hoảng năng lượng và nguy cơ nhiều quốc gia chìm trong suy thoái.

Xem thêm: Tình báo Nga xác định được nghi phạm ám sát nhà báo Dugina: Ai đứng đằng sau án mạng này?