Các nhóm bảo vệ môi trường cho biết Trung Quốc là nước mua gỗ bất hợp pháp chủ yếu trên thế giới. Theo Interpol, hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp chiếm từ 15% đến 30% tổng kim ngạch thương mại gỗ toàn cầu.

Trung Quốc mua gỗ khai thác trái phép ở Thái Bình Dương

Theo The Guadian ngày 31/5 cho biết con đường tuồn gỗ lậu tới Trung Quốc rất mờ ám. Nhưng có thể khái quát như sau:

Theo một cuộc điều tra kéo dài hai năm của tổ chức phi chính phủ quốc tế Global Witness, các khối gỗ bị đốn hạ ở quốc gia sở tại, ví dụ như Papua New Guinea (PNG). Sau đó, chúng được đưa lên các con tàu chở hàng. Các tàu này thường được đăng ký ở Panama. Chúng di chuyển trên biển khoảng 14 ngày, sau đó cập bến Trung Quốc. Hơn 90% lượng gỗ xuất khẩu từ PNG, Quần đảo Solomon, Tonga và Vanuatu đã đi đến Trung Quốc.

Rất khó tìm thấy thông tin công khai về người sở hữu số gỗ trên các con tàu. Cuộc điều tra năm 2016 của Global Witness cho thấy, 15 công ty chịu trách nhiệm về khoảng 85% lượng gỗ nhập khẩu từ PNG.

Phần lớn gỗ xuất khẩu của PNG (trị giá hơn 620 triệu USD vào năm 2019) đến từ các hợp đồng mà Trung Quốc thuê kinh doanh đất nông nghiệp của PNG. Hợp đồng thuê đất gây tranh cãi và bị tuyên bố là bất hợp pháp vào năm 2016. Nhưng hầu như các hoạt động khai thác gỗ cho Trung Quốc vẫn tiếp diễn.

Bắc Kinh “mập mờ” điều khoản nhập khẩu gỗ

Global Witness điều tra và đã xác định 7 công ty xuất khẩu ván sàn sang Mỹ; có khả năng gỗ được khai thác bất hợp pháp ở PNG. Điều đó vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Tổ chức này đã liên hệ với 10 công ty Hoa Kỳ bán các sản phẩm từ gỗ; trong đó có công ty đồ gia dụng khổng lồ Home Depot. Nhà cung cấp của công ty này là Home Legend.

Home Legend nói với Global Witness rằng, họ đã quyết định ngừng mua ván sàn làm bằng gỗ từ PNG và Quần đảo Solomon. Lý do là vì “những rủi ro liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia này”.

Các quốc gia khác có luật ngăn chặn việc mua gỗ khai thác bất hợp pháp; còn Trung Quốc thì không.

Bắc Kinh đang cố gắng “bịt các kẽ hở” đối với các nhà cung cấp gỗ bất hợp pháp. Năm 2019, Trung Quốc đã thông qua các sửa đổi đối với Luật lâm nghiệp. Theo đó, Luật quy định “không tổ chức hoặc cá nhân nào được mua, chế biến và vận chuyển gỗ từ nguồn gốc bất hợp pháp như chặt hạ trái phép hoặc phá rừng bừa bãi”. Tuy nhiên, các điều khoản trên lại không được quy định rõ ràng có áp dụng cho gỗ nhập khẩu hay không?

Đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi bất kỳ bình luận nào của The Guardian.