Báo cáo mới đây cho thấy hải cảnh Trung Quốc đã mở thêm tuyến đường tuần tra qua Bãi Tư Chính, nơi có các giàn khoan dầu của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc liên tục gia tăng hiện diện ở Biển Đông khi các nước đang bận đối phó với dịch virus Vũ Hán.

Đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng rõ ràng đến sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông, theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI).

Phân tích dữ liệu của Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) do MarineTraffic thu thập cho thấy Bắc Kinh đã tiếp tục triển khai lực lượng tuần duyên xung quanh các địa điểm quan trọng quanh các đường 9 đoạn.

Các cuộc tuần tra gần như diễn ra hàng ngày, giống như họ đã làm vào năm 2019.

Hải cảnh Trung Quốc gia tăng tuần tra Biển Đông

Biểu đồ bên dưới cho thấy hải cảnh Trung Quốc liên tục tuần tra Biển Đông từ ngày 1/12/2019-30/11/2020; quanh các khu vực (từ trên xuống) là Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Bãi cạn Luconia, Bãi cạn Scarborough, Bãi Tư Chính (Vanguard Bank).

Biểu đồ cho thấy hải cảnh Trung Quốc liên tục tuần tra Biển Đông từ ngày 1/12/2019-30/11/2020; quanh các khu vực (từ trên xuống) là Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Bãi cạn Luconia, Bãi cạn Scarborough, Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) (ảnh: AMTI).
Các cuộc tuần tra của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/12/2019-30/11/2020 (ảnh: AMTI).

Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi Tư Chính cũng thuộc chủ quyền Việt Nam.

Còn Bãi cạn Luconia là đối tượng tranh chấp giữa Malaysia, Đài Loan và Trung Quốc. Bãi cạn Scarborough đang bị tranh chấp giữa Philippines, Đài Loan và Trung Quốc.

AMTI cho biết, trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/12/2019, hải cảnh Trung Quốc không chỉ duy trì hiện diện liên tục, mà còn gia tăng tuần tra trong thời gian đại dịch COVID-19. Có ít nhất 1 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện ở Bãi Cỏ Mây của Việt Nam trong vòng 232 ngày.

Sơ đồ cho biết số ngày hải cảnh Trung Quốc hiện diện tại các khu vực tranh chấp trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/12/2019 (ảnh: AMTI).
Sơ đồ cho biết số ngày hải cảnh Trung Quốc hiện diện tại các khu vực tranh chấp trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/12/2019 (ảnh: AMTI).

Trung Quốc mở tuyến đường tuần tra mới quanh Bãi Tư Chính

AMTI cho biết: “Có một điểm đáng chú ý về tuyến đường tuần tra của hải cảnh Trung Quốc kể từ tháng 7 năm nay: Đó là nó bổ sung thêm Bãi Tư Chính ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Việt Nam”.

Báo cáo cho biết Trung Quốc đã cho cảnh sát biển hiện diện 142 ngày gần Bãi Tư Chính trong năm qua. Trung Quốc đã liên tục quấy rối tại khu vực này, khiến Việt Nam phải hủy bỏ dự án khai thác dầu khí ở lô 06-01 vào tháng 7/2019.

Vị trí dàn khoan DK1 của Việt Nam ở lô dầu khí 06-01 gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông (ảnh: AMTI).

“Kể từ đó các cuộc tuần tra liên tục của hải cảnh Trung Quốc tập trung ở phía đông của lô dầu khí (06-01), gần vị trí Bãi Tư Chính”, AMTI cho biết.

Trung Quốc bình thường hóa sự hiện diện phi pháp ở Biển Đông

AMTI cho biết tuyến đường tuần tra mới tại Bãi Tư Chính là do căn cứ của Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập thực hiện. Đá Chữ Thập là rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

AMTI cho biết: “Các bên tranh chấp ở Đông Nam Á hầu như hạn chế triển khai các tàu thực thi pháp luật hoặc tàu hải quân tại các tuyến đường tuần tra này. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang thành công trong việc bình thường hóa sự hiện diện của mình”.

AMTI nhận định: Trong bối cảnh khu vực này có các nguồn năng lượng quan trọng và các giàn khoan DK1 (của Việt Nam) dễ bị xâm phạm, giới quan sát đang dõi theo “liệu Hà Nội có tích cực tranh cãi hơn nữa hay không đối với tuyến đường tuần tra mới nhất của hải cảnh Trung Quốc”.