Trung Quốc ngày 28/6 đã vận hành hai máy phát điện đầu tiên của đập thủy điện khổng lồ Bạch Hạc Than, nằm ở thượng nguồn đập Tam Hiệp.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hai máy phát điện công suất 1 triệu kilowatt tại đập thủy điện Bạch Hạc Than đã chính thức hoạt động.

Bạch Hạc Than được Trung Quốc ca ngợi là “đẳng cấp thế giới”

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than có tổng cộng 16 máy phát điện 1 triệu kilowatt do Trung Quốc tự phát triển, cao hơn 50m và nặng hơn 8.000 tấn. Dự kiến, tất cả các tổ máy của nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2022. Theo ước tính, Bạch Hạc Than có thể sản xuất 62 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, được cho là gấp 15 lần năng lực của đập Hoover tại Mỹ.

Đập thủy điện Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử. Công trình này nằm ở vị trí giáp ranh giữa tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc.

Đập Bạch Hạc Than cao 289 m, được cho là đập bê tông đúc đầu tiên được xây dựng trên thế giới với hơn 8 triệu m3 bê tông, theo Hoàn Cầu thời báo. Tổng dung tích chứa của đập là 20,627 tỷ m3.

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là đập thủy điện có công suất lớn thứ hai thế giới sau đập Tam Hiệp. Dự án đập thủy điện này được giới chuyên gia Trung Quốc ca ngợi là “đẳng cấp thế giới”, “không có nhà máy nào tốt hơn” vì chỉ mất 4 năm để hoàn thành. 

Đập Bạch Hạc Than liệu có thành siêu bom nổ chậm?

Các siêu đập của Trung Quốc bị ví như những siêu bom nổ chậm treo trên đầu hàng triệu người dân ở khu vực hạ du.

Vào năm 2020, các trận lũ kỷ lục tại Trung Quốc khiến Đập Tam Hiệp trở thành điểm nóng. Cư dân mạng lo lắng, gọi con đập khổng lồ này là “siêu bom nổ chậm”. Nếu xảy ra sự cố vỡ Đập Tam Hiệp, nó có thể gây nguy hiểm cho hàng triệu người ở khu vực lân cận và hạ lưu sông Trường Giang (hay sông Dương Tử).

Khi lũ dâng cao đến ngưỡng giới hạn của đập, chính quyền đã buộc phải xả lũ ồ ạt; khiến người dân hạ du phải chịu cảnh “lũ chồng lũ”.

Các hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy Đập Tam Hiệp đã biến dạng dưới áp lực của nước. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cam đoan rằng con đập đang “đàn hồi tốt” và vẫn đảm bảo an toàn.

Hình ảnh Đập Tam Hiệp năm 2009 và 2019 nhìn từ vệ tinh
Hình ảnh Đập Tam Hiệp năm 2009 và 2019 nhìn từ vệ tinh (ảnh: Twitter/Weibo/Daily Mail).

Trước đó, Trung Quốc từng trải qua thảm họa vỡ đập khủng khiếp vào năm 1975. Đập Ban Kiều trên sông Hoàng Hà vỡ tan sau siêu bão Nina khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng; tuy nhiên phải hơn 20 năm sau chính quyền Trung Quốc mới công bố số liệu.

Hệ sinh thái và môi trường bị tác động

Dù mang lại nhiều lợi ích về đảm bao an ninh năng lượng cho Trung Quốc, cũng như giảm bớt khí thải CO2, dự án Bạch Hạc Than đang khiến dư luận đặt câu hỏi về những tác động lên hệ sinh thái và môi trường nơi con đập tọa lạc.

SCMP dẫn lời Fan Xiao – nhà địa chất học kiêm kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, cho biết các con đập có tác động xấu đến môi trường sinh thái địa phương. Đặc biệt là đối với đa dạng sinh học động vật thủy sinh.

Ông cho biết chúng làm chậm tốc độ dòng nước và giảm dung tích cũng như độ tinh khiết của nước. Từ đó, phá hủy môi trường sống của động vật thủy sinh và cản trở sự di cư của cá.

Ông Fan nhận định việc xây dựng thêm các nhà máy thủy điện không phải là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải carbon. “Nước là một loại năng lượng sạch, nhưng chúng ta không thể bỏ qua việc thải ra lượng lớn carbon từ quá trình xây đập, đào đất và di dân”, chuyên gia này cảnh báo.