Anh Phan Hoài Nghĩa quê gốc Bình Định. Năm 28 tuổi bị phá sản, anh đến thành phố Đăk Lăk mưu sinh, rồi mới bắt đầu thành công. Để trả ơn mảnh đất đã cưu mang mình, anh tự bỏ tiền mua 1 chiếc xe chở bệnh nhân nghèo, người khó khăn miễn phí. Tính đến nay là hơn 300 chuyến xe cứu giúp cuộc đời.
Năm 28 tuổi, kinh doanh thua lỗ, anh Nghĩa tìm đến Đăk Lăk kiếm sống; hành trang chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo và số tiền ít ỏi 800 nghìn đồng.
Hơn 10 năm mưu sinh ở đây, anh bắt đầu thành công, sắm được nhà và xe. Đặc biệt anh muốn làm gì đó cho mảnh đất Tây Nguyên đã cưu mang mình. Anh nói: “Nơi này tuy nhỏ bé nhưng quy tụ dân ở khắp mọi miền đến sống. Cũng vì vậy mà mọi người biết giúp đỡ và san sẻ cho nhau khi khó khăn”.
Tóm tắt nội dung
Từ thất bại đến thành công
Vì sao anh lại biết ơn mảnh đất này? Bởi vì 12 năm trước đây, anh Nghĩa kinh doanh cây cảnh tại Bình Định bị phá sản. Khu vườn hàng nghìn cây chỉ có thể bán với giá rẻ như bèo; khiến anh phải bán nhà, vay mượn khắp nơi để trả nợ. Sau thất bại, Phan Hoài Nghĩa vào Đăk Lắk tìm kế mưu sinh.
Tiếp tục với nghề buôn cây cảnh trên đất Tây Nguyên; ban đầu công việc khá thuận lợi. Nhưng 2 năm sau, giá cây lại xuống dốc khiến anh lặp lại thất bại như thuở nào. Tổng giá trị vườn cây 1 tỷ đồng mà cuối cùng bán chỉ được 300 triệu đồng.
Sau lần đó, anh chuyển hướng công việc sang cầm đồ, buôn bán bất động sản và làm gỗ mỹ nghệ. Đến nay, anh Nghĩa đã là chủ của ba ngôi nhà ở Buôn Mê Thuột và một chiếc xe để đi lại.
Chuyến xe miễn phí đầu tiên
Cuối năm 2019, khi đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk thăm bạn, anh Nghĩa nghe tiếng khóc quanh một hài nhi. Người đứng cạnh anh thở dài nói: “Tội nghiệp họ, con mất mà không có nổi tiền thuê xe đưa về”. Nghe vậy, anh Nghĩa bước tới, đề nghị: “Để tui giúp”. Sau cái gật đầu của gia đình đứa trẻ xấu số, anh đưa họ về nhà, cách đó 60 km. Ngôi nhà nghèo đơn sơ, chỉ có manh chiếu trải xuống nền.
“Từ lúc lên xe đến lúc tôi về, họ đều im lặng vì quá đau buồn. Tôi nói vài lời động viên với gia đình mà cứ thấy nó thừa thãi. Tôi nghĩ nên làm gì đó thiết thực hơn”. Sau hôm đó, anh quyết định mua một chiếc xe, dành riêng chở bệnh nhân nghèo miễn phí.
“Sự nghiệp” cứu giúp người miễn phí
Anh bỏ ra 700 triệu đồng, mua một chiếc xe, và dán dòng chữ “Chuyến xe 0 đồng cho bệnh nhân nghèo và khó khăn, cho đồng bào dân tộc”.
Rồi anh lên mạng xã hội đăng tin: “Mình nhận đón gia đình và các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện ở trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột xuất viện mà không có xe về các huyện lân cận, bán kính 200 km. Từ Đắk Lắk, mình đi về trong ngày. Xăng mình đổ, phí đường bộ cao tốc mình trả, xe trang bị nước rửa tay và khẩu trang, kính bảo hộ. Dọc đường, cảnh sát giao thông bắt thì mình đóng phạt. Mình sẽ đón tại cổng bệnh viện và chở về nhà rồi chia tay, không cần phải lo nghĩ gì hết”. Anh không quên để lại số điện thoại, tên, tuổi, để người gọi tiện xưng hô.
“Tôi muốn cảm ơn mảnh đất này đã tái sinh mình, cho tôi cuộc sống như bây giờ”, anh nói.
Những chuyến xe “cuộc đời”
Anh Nghĩa lái xe chẳng kể ngày đêm. Mười ngày trước, anh nhận được một cuộc gọi của cô gái từ Nha Trang, nhờ đón từ Buôn Mê Thuột về Đăk Nông – nơi em gái cô mất vì đuối nước. Người đàn ông hơi chần chừ vì sẽ phải chạy xe xuyên đêm, nhưng nghĩ “người ta khó mới gọi cho mình”, anh vẫn lên đường. Hành trình hai chiều dài gần 300 km. Trở về lúc nửa đêm, Nghĩa phải tấp vào lề đường trên đỉnh đèo chợp mắt.
Hơn một năm nay, chiếc xe 0 đồng của anh đã đi qua hàng trăm con đường đất đỏ hai bên bạt ngàn cà phê. Có dạo, người đàn ông độc thân 39 tuổi này chạy một ngày 3 chuyến, có khi 3 ngày một chuyến.
Anh đã đưa và đón bệnh nhân đi về khoảng hơn 300 chuyến. Xe 0 đồng của Nghĩa không ít lần bị cảnh sát giao thông thổi còi vì “chạy quá tốc độ”. Khi anh giải thích mục đích chuyến đi, cảnh sát nhắc “điều chỉnh tốc độ” rồi cho đi. Nhiều cây xăng quanh thành phố đề nghị tài trợ xăng miễn phí, nhưng anh tài xế từ chối: “Tui đủ sức lo, khi nào thiếu mới nhờ”.
Anh Nghĩa không bao giờ lưu số những người mình giúp đỡ, vì quá nhiều. Nhưng y tá, bác sĩ và người nhà bệnh nhân thường chia sẻ số điện thoại của anh cho nhau.
Giúp người không quản gian nan
Cô gái Đinh Thị Hoài (23 tuổi) có cháu ruột bị tim bẩm sinh, bệnh phổi… đã phải gọi anh Nghĩa 4 lần để cùng anh trai và chị dâu đưa cháu đến viện rồi về nhà. Chặng đường từ nhà Hoài ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp đến Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên gần 100 cây số. Đường xa chẳng quản gian nan, cứ gọi điện là anh Nghĩa đến đúng giờ đã hẹn.
“Anh nói bất kỳ giờ nào gia đình cần cứ gọi cho anh. Nhà tôi cũng muốn phụ với anh chút tiền xăng xe, nhưng anh không nhận. Tuy là xe miễn phí nhưng anh nói chuyện lịch sự, tình cảm; không làm chúng tôi có cảm giác mang ơn. Anh hỏi thăm hoàn cảnh chứ chẳng bao giờ hỏi tên”, cô gái gốc Quảng Bình, nói.
Ngoài những chuyến xe chở bệnh nhân miễn phí, anh Nghĩa cũng kêu gọi hỗ trợ các trường hợp khó khăn mà mình biết. Vài năm trước, chàng trai độc thân 39 tuổi bắt đầu cùng với vài người bạn xây nghĩa trang cho các hài nhi xấu số ở Tây Nguyên.
Xem thêm:
- Đồng Tháp: Vợ chồng ở nhà thuê ngày nấu 200 suất cơm phát miễn phí cho người nghèo
- Cụ ông lập di chúc để lại căn nhà 12 tỷ ở Sài Gòn để giúp người nghèo
- Cụ bà 80 tuổi làm từ thiện, 10 năm ròng bán rau giúp người khó khăn