Giá phân bón tăng phi mã, nhiều thương nhân bất chính lợi dụng điều này đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, nông dân Việt đang bị bủa vây trong ma trận “thật giả”.
- Mỗi năm hơn 10.400 người Việt tử vong vì bệnh lao
- Buộc thôi việc Trưởng trạm Y tế bị tố ‘vòi tiền’ F0
- Video: Hai người đàn ông kéo lưới bị đàn cá nhảy lên ‘đánh hội đồng sưng đầu’
Ngày 27/3, Tuổi trẻ dẫn tin từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra nhiều cửa hàng bán phân bón trên địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện nhiều lô phân bón NPK cao cấp, kali silic 61%, phân bón cao cấp 19-3-20+TE và phân bón hỗn hợp NPK BDH-2 giả và kém chất lượng.
Các hàm lượng chính của những lô phân này thấp hơn rất nhiều so với quy định. Chủ nhân của những lô phân này khai mua một doanh nghiệp ở Long An và hai doanh nghiệp tại TP.HCM.
Tương tự, phía ông Trần Thanh Hiệp – chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết đơn vị đã chuyển 2 vụ kinh doanh phân bón giả sang công an tỉnh này để tiếp tục thụ lý theo quy định.
Trong khi đó trong thời gian qua nhà chức trách tại nhiều địa phương như: Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk.. liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng…
Trước đó hôm 24/3 báo Tiền Phong đưa tin, phía Cục Bảo vệ thực vật vừa công khai danh sách 92 doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Đồng thời thống kê số liệu từ Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay do xung đột Nga – Ukraina khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã.
Chỉ trong vòng 1,5 năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Các chuyên gia nhận định để dẫn đến thực trạng như hiện nay là vì cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Mặt khác, do lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống.
Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.
Như vậy người dân sản xuất lúa gần 4 tháng mới có kết quả. Trong khi đó giá phân bón tăng, nông dân đã lao đao, giờ gặp vấn nạn phân bón giả, nhái bủa vây, khiến họ càng khốn đốn hơn.