Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP. HCM đã đạt trên 90% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.
Trễ hẹn 4 năm
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018 giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.
Tuy nhiên, khi gần chạm đích, đến tháng 2/2018, dự án bị tạm dừng thi công. Cuối năm 2020, dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020).
Cho đến thời điểm hiện tại, dự án đã chậm trễ 4 năm so với kế hoạch, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế – xã hội, đặc biệt là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Nguyên nhân và thiệt hại
Theo Vnexpress, Dự án ngăn triều nói trên do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Công trình đi qua quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160 m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8 km.
Vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án còn gặp khúc mắc giữa các bên khi thực hiện các cơ chế liên quan đến dự án PPP (đối tác công tư). Dù được Chính phủ gỡ vướng, nhưng sau một năm, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký. Phía ngân hàng cho biết không có cơ sở gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án.
Việc dừng thi công kéo dài gây nhiều hệ luỵ, phát sinh lớn chi phí. Theo tính toán của nhà đầu tư, hơn một năm dự án tạm dừng từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi… đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.
Dự án trễ hẹn 4 năm cũng gây thiệt hại lớn cho thành phố và người dân. Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Lê Văn Thành, chuyên viên tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu năm 2018, thành phố bị thiệt hại khoảng hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm do ngập nước. Như vậy, nếu dự án được hoàn thành từ 4 năm trước, người dân và TP. HCM đã tiếp kiệm được hàng ngàn tỷ đồng tiền thiệt hại do ngập nước.
Hiện TP. HCM cũng chỉ đưa ra thời gian dự kiến công trình chống ngập 10.000 tỷ sẽ hoàn thành. Theo báo Tuổi Trẻ, trong một phát biểu ngày 24/3/2022, lãnh đạo Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM cho biết “dự kiến trong năm 2022, công trình sẽ cơ bản hoàn thành; đến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác thanh quyết toán liên quan”.