Một cơ quan nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố nước này không cần thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông; vì Bắc Kinh vốn đã kiểm soát toàn bộ vùng biển chiến lược này.

Theo SCMP, tuyên bố này được đưa ra trong báo cáo ngày 23/11 của cái gọi là “Tổ chức Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược ở Biển Nam Hải” (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh. Nam Hải là từ dùng để ám chỉ Biển Đông của Việt Nam.

Báo cáo xuất hiện trong bối cảnh giới quan sát lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông bằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Trung Quốc sẽ xác lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông?

SCSPI tuyên bố việc cộng đồng quốc tế cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông chỉ là “hiểu sai và phỏng đoán”.

Cơ quan này cáo buộc Hoa Kỳ đã tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực trong những năm gần đây. Nhưng Trung Quốc “không cần” phải đáp trả bằng việc xác lập vùng ADIZ; vì Bắc Kinh vốn đã “kiểm soát toàn bộ” Biển Đông, theo SCSPI.

Báo cáo của cơ quan Trung Quốc viết: “Khác với tình trạng tiến thoái lưỡng nan do không đủ thông tin về các chuyến bay trên không phận Biển Hoa Đông; toàn bộ Biển Đông bị kiểm soát bởi hệ thống hàng không dân dụng của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tam Á (trên đảo Hải Nam); và hệ thống này đủ để hỗ trợ các hoạt động xác định mục tiêu quốc phòng. Không cần thiết phải lập một vùng ADIZ trong khu vực”.

Báo cáo của SCSPI viết thêm: “Tuy nhiên, có khả năng [Trung Quốc] sẽ thiết lập một vùng ADIZ bao trùm không phận quần đảo Trường Sa ở Biển Đông; để giúp quân đội [Trung Quốc] xác định các hoạt động hàng không dân dụng, trong trường hợp máy bay nước ngoài tiếp tục ý đồ tăng cường tiếp cận vùng trời bên ngoài phạm vi bao phủ của Hồng Kông và Tam Á”.

Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là vùng trời do mỗi quốc gia ấn định; và đòi hỏi các máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận; nhưng được coi là khu vực song hành với an ninh quốc phòng.

Nhiều quốc gia xác lập ADIZ, tuy nhiên hiện chưa có điều ước quốc tế nào định nghĩa hay quy định về vấn đề này.

Theo SCMP, một người trong quân đội Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch thành lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông từ năm 2010. Đây cũng là năm mà họ bắt đầu làm việc để xác lập ADIZ ở Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, kế hoạch xác lập ADIZ ở Biển Đông đã bị trì hoãn.

Bắc Kinh tuyên bố lập ADIZ ở Biển Hoa Đông vào cuối năm 2013; sau khi Tokyo cho biết họ sẽ mở rộng vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Đây là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông phức tạp hơn Biển Hoa Đông

Nguồn tin quân sự của SCMP nói tiếp: “Tình hình ở Biển Đông rất khác biệt và phức tạp hơn ở Biển Hoa Đông, nơi chỉ có tranh chấp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Quan chức này đề nghị không công bố danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề. Ông nói: “Trung Quốc không muốn gây bất bình quá nhiều quốc gia láng giềng Đông Nam Á”.

Các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, Indonesia.

Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã gia tăng nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông nhằm phản đối việc Trung Quốc kiểm soát các tuyến hàng hải tự do. Hôm 23/11, Cố vấn an ninh Mỹ Robert O’Brien khẳng định chính quyền Trump ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền ở Biển Đông.

Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông sẽ bao phủ khu vực nào?

Lu Li-shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan, cho rằng Trung Quốc “có thể sẽ sớm tuyên bố một vùng ADIZ” ở quần đảo Đông Sa (Pratas) ở đông bắc Biển Đông. Đông Sa là quần đảo tranh chấp giữa Đài Loan và Trung Quốc, hiện do Đài Bắc kiểm soát.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho rằng thiết lập ADIZ trên Biển Đông mà chỉ bao phủ quần đảo Đông Sa thì thật là “vô nghĩa”.

Zhou nói: “Một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông có khả năng bao trùm các đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tuy nhiên, Zhou nhận định: “Trường Sa còn là nơi rắc rối nhất, phức tạp nhất về các vấn đề chính trị, ngoại giao và quân sự”.

Vì vậy đây là lý do tại sao Bắc Kinh ngần ngại thiết lập ADIZ trên Biển Đông vào thời điểm này, theo Zhou. Ông ta nói thêm: “Trung Quốc thấy không cần phải thực hiện một động thái gây tranh cãi như vậy ở khu vực này”.