Trước thực trạng Biển Đông dậy sóng liên tiếp trong thời gian gần đây, các nhà quan sát cho rằng cần nhìn nhận một cách thực tế về thực trạng của Việt Nam. Từ đó có thể đưa ra được các giải pháp phù hợp trong cuộc chiến đòi chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam trước một Trung Quốc hung hăng hiếu chiến.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì Hoà bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” đã diễn ra vào ngày 17/11 vừa qua. Một chủ đề nóng bỏng được đề cập đến là Dự luật Cảnh sát biển của Trung Quốc. Dự luật này cho phép lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển nước này yêu sách. Dự luật này đã gây ra lo ngại nghiêm trọng không chỉ đối với các nước khu vực mà còn đối với các nước cùng sử dụng Biển Đông. Việc Trung Quốc thực hiện dự luật sẽ đe doạ tính mạng và tài sản của ngư dân các nước, gây cản trở tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Về mặt tiềm lực quân sự, tiềm lực về mọi mặt của Việt Nam chưa bao giờ ở thế cân bằng so với Trung Quốc, việc đấu lại bằng vũ khí từ nguồn kinh phí hữu hạn của Bộ Quốc phòng hiện nay khó có thể đưa đến mục tiêu như mong muốn. Vậy Việt Nam cần dựa vào ai? 

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân Việt nam

Đầu tiên cần đánh thức tinh thần bảo vệ chủ quyền của người dân Việt Nam, cần chỉ rõ cho người dân biết đối thủ của Việt Nam là ai. Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) đã bày tỏ rõ quan điểm rằng mọi người dân Việt Nam phải được quyền biết hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nước cần đưa các thông tin minh bạch về vấn đề này, và cho dân cái quyền được thể hiện chính kiến đối với chủ quyền trên Biển Đông bởi chính những người dân chứ không phải là các vị quan chức cấp cao mới là người sẽ phải chiến đấu, thậm chí phải hy sinh để đòi lại biển đảo quê hương.”

Tiến sỹ Trung nhấn mạnh rằng “Dù Việt Nam ở vào thế yếu, nhưng thực tế này sẽ được cải thiện đáng kể nếu nhà nước xác định rõ kẻ thù và vạch ra mục tiêu lớn, rõ ràng để chống sự bành trướng của kẻ thù thì hoàn toàn có thể làm được.”

Thực tế là một khi nhà nước đã dám “tuyên chiến” với Trung Quốc, thì các nguồn lực lớn, tự nguyện và hoàn toàn miễn phí có thể tới từ những doanh nghiệp lớn và người dân yêu nước sẽ là một đóng góp vô cùng quan trọng”.

Và “Một khi đã xác định rõ mục tiêu đầu tư cho Hải quân, bảo vệ biển đảo, nhà nước sẽ biết cách phân phối nguồn lực, giảm đầu tư vào một số lĩnh vực chưa cần thiết hoặc không hiệu quả.”

 TS Nguyễn Thành Trung thì tin rằng “khi cần thiết, tất cả nguồn lực sẽ dồn cho việc bảo vệ chủ quyền” và người dân sẽ ủng hộ.

Cần sẵn sàng khởi kiện đòi chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn có ý kiến rằng dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, nhưng việc phản đối qua con đường ngoại giao song phương như vẫn làm lâu nay cho thấy không mang lại hiệu quả.

Ông cho biết, trên thực tế, Việt Nam coi như đã thất bại hoàn toàn. Trung Quốc muốn biến việc phản đối của Việt nam thành cuộc cãi vã kiểu chợ cá, kết quả không đi tới đâu.”

Ngoài việc đưa vụ việc ra bàn luận tại các chương trình nghị sự của LHQ để quốc tế hiểu rõ hơn và có thể góp tiếng nói ủng hộ thì về mặt lâu dài, phía Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để khởi kiện việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ lên toà án quốc tế để có thể được xem xét một cách khách quan, công bằng.

Dựa vào ai để giữ được chủ quyền trên Biển Đông

Bàn về việc Việt Nam có thể trông cậy vào nước nào trong tình huống này, TS Nguyễn Thành Trung, người có mặt trực tiếp trong chuyến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng đầu năm 2020, bình luận rằng chuyến thăm “có nhiều ý nghĩa quan trọng… nếu chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương Mỹ-Việt”.

“Chuyến thăm của tàu US Theodore Roosevelt cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam cho các cuộc viếng thăm quân sự của các tàu sân bay Mỹ, khiến nó trở thành một thông lệ trong hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia.”

“Nó cũng thể hiện niềm tin ngày càng sâu sắc hơn về việc thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia vốn từng là cựu thù. Đồng thời, thể hiện tái cam kết của Mỹ đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Việt Nam dựa vào ai để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông 1
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: vn.usembassy)

Sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ ở Biển Đông

Vấn đề mới ở đây là Mỹ khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực The Hague (trong vụ Philippines thắng kiện Trung Quốc mấy năm trước) là đúng đắn và Trung Quốc đã phạm pháp. Lần này Mỹ nói rất rõ là Mỹ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài nói trên và nói những hoạt động từ đó đến nay của Trung Quốc là vi phạm pháp luật quốc tế thì đó là vấn đề luật pháp, thành ra Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra các cuộc họp đa phương hay là song phương sắp tới và như vậy các nước khác sẽ tận dụng được cơ hội.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần này có hai điểm mới, là bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc cụ thể đối với bãi Tư Chính của Việt Nam, vùng Lucosia thuộc Malaysia, và vùng Natuna Besar thuộc Indonesia. Điểm mới thứ hai, là “Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. 

Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do trên các vùng biển và tôn trọng chủ quyền và bác bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm áp đặt trò “kẻ mạnh làm ra lẽ phải” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn.” Hai điểm mới này cho thấy Mỹ khẳng định thượng tôn nền tảng công pháp quốc tế và gần như coi các nước ven biển Asean như là đồng minh của Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới với 11 siêu tàu sân bay trong biên chế, 2 chiếc đang được chế tạo. Tàu sân bay Gerald R. Ford thuộc lớp tàu cùng tên được biên chế tháng 7/2017, chiến hạm John F. Kennedy thuộc lớp Ford đã được đóng xong và đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài các siêu tàu sân bay, Mỹ còn sở hữu 10 tàu đổ bộ tấn công có thể vận hành tiêm kích cất cánh trên đường băng ngắn như F-35B.

Xuất hiện Bộ Tứ cộng: Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và đối tác mới

Nguyên thủ các nước trong nhóm Bộ Tứ: Tổng thống Mỹ Donald Trump; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Thủ tướng Nhật Bản Suga; Thủ tướng Úc Scott Morrison (ảnh: Nhà Trắng/Wikimedia Commons).
Nguyên thủ các nước trong nhóm Bộ Tứ: Tổng thống Mỹ Donald Trump; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Thủ tướng Nhật Bản Suga; Thủ tướng Úc Scott Morrison (ảnh: Nhà Trắng/Wikimedia Commons).

Thêm vào đó, sự xuất hiện của Bộ Tứ mở rộng (Quad Plus) bao gồm các nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Mỹ cùng các đối tác mới là New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam chính là bằng chứng cho thấy một mạng lưới phối hợp như vậy đang nổi lên và rất có thể sự phối hợp nhịp nhàng này sẽ tạo thành thế áp đảo đối với Trung Quốc.

Nói tóm lại, chính phủ Việt Nam cần lên tiếng một cách mạnh mẽ với truyền thông trong nước để người dân Việt Nam hiểu rõ được Trung Quốc chính là đối thủ luôn gây hấn để lấn chiếm quần đảo và biển đảo thuộc chủ quyền của Việt nam. Đồng thời có thiết lập các mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và sâu rộng với Mỹ và các nước như Úc, Nhật bản, Ấn độ nằm trong bộ tứ cộng để có được sự cân bằng trong đối kháng với Trung Quốc.

Từ Khóa: