The National Interest ngày 4/11/2020 đăng lại một bài phân tích về việc các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ bị nhấn chìm. Đây là một bài phân tích có từ năm 2019; nhưng tới nay vẫn thu hút được sự quan tâm của độc giả.

Công trình xây dựng kém cỏi cộng với biến đổi khí hậu khiến các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc không ổn định, theo The National Interest (NI). Đồng thời, các tiền đồn quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo cũng tiềm ẩn một “lỗ hổng” lớn.

Phản ứng của cư dân mạng

Nhiều cư dân mạng đã chia sẻ bài đăng lại của NI.

Trên Twitter ngày 9/11, một người có tên Gordon Emmanuel cho rằng “có vẻ Mẹ Thiên Nhiên” là người đang giúp phá hủy những công trình nhân tạo của Trung Quốc.

Một người khác bình luận: “Lòng tham và tốc độ của Trung Quốc đang quay trở lại ám ảnh họ?”

Một người khác có tên Tenzin Namgyal viết: “Đó quả là câu trả lời tuyệt vời từ Thiên nhiên. Tôi ngóng chờ điều đó xảy ra. Những tổn hại mà Trung Quốc gây ra với Thiên nhiên ở Biển Đông là không thể bù đắp được”.

Người này cũng đề nghị không dùng tên tiếng Anh “South China Sea” để gọi Biển Đông; mà nên thay từ “China” (Trung Quốc) bằng từ “Asia” (Châu Á).

Các rạn san hô bị nạo vét và phá hủy triệt để

“Kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc liên tục nạo vét và phá hủy hầu hết các rạn san hô mỏng manh thuộc các vùng biển tranh chấp. Mục đích nhằm xây dựng 7 căn cứ quân sự hoàn chỉnh với các cảng, đường băng, hệ thống radar và tên lửa”, NI viết.

“Các đảo nhân tạo có chức năng như tàu sân bay không thể chìm, và giúp củng cố yêu sách của Bắc Kinh về vùng biển mà các nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền”. Những công trình quan trọng nhất nằm trên các rạn đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn trong nhóm đảo Trường Sa.

Từ năm 2013 đến năm 2016, các tàu xây dựng khổng lồ đã nghiền nát những rạn đá để tạo nên nguyên liệu thô cho các căn cứ. Chỉ riêng tàu cuốc Tianjing đã chuyển 4.500 mét khối vật liệu mỗi giờ, “đủ để lấp đầy hai bể bơi cỡ Olympic”, theo SCMP.

Bắc Kinh tuyên bố họ đã bắt đầu khôi phục các rạn san hô mà họ đã phá hủy, nhưng vẫn chưa rõ các nỗ lực khôi phục có hiệu quả như thế nào. Nhà sinh vật biển John McManus tại Đại học Miami cho biết việc nạo vét sẽ “giết chết cơ bản mọi thứ” xung quanh các rạn san hô.

Âm mưu kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Bắc Kinh

The Economist giải thích rằng việc thiết lập các tiền đồn trên các đảo nhân tạo “cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông trong bất kỳ kịch bản nào, mà không xảy ra chiến tranh toàn diện với Hoa Kỳ”.

“Cảng mới và các cơ sở tiếp tế đang giúp Trung Quốc triển khai sức mạnh hơn bao giờ hết. Các tàu khảo sát của Trung Quốc cũng tìm kiếm dầu và khí đốt trong vùng biển tranh chấp”.

Năm 2014, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn đến sự bất hòa giữa lực lượng Trung Quốc và Việt Nam, theo NI. Trung Quốc cuối cùng đã loại bỏ nền tảng đầu tiên, sau đó mới triển khai nền tảng thứ hai.

Các đảo nhân tạo tồn tại nhiều rủi ro lớn

“Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo cách mà Trung Quốc muốn”, The Economist nói thêm. “Nguồn tin cho thấy bê tông của các hòn đảo mới đang vỡ vụn và nền móng của chúng biến thành bọt biển trong khí hậu khắc nghiệt. Và đó là trước khi xem xét những gì có thể ảnh hưởng trực tiếp do siêu bão gây ra ”.

Đáng nói hơn, các nước láng giềng đang chống lại áp lực của Trung Quốc. Họ đang cùng nhau phát triển các mỏ khí đốt nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc cũng không ngăn cản các công ty dầu mỏ nước ngoài làm việc với các quốc gia ven biển khác. Giàn khoan mà tàu Trung Quốc đâm vào vùng biển Việt Nam được điều hành bởi một doanh nghiệp nhà nước của Nga (Rosneft), mặc dù Nga được cho là bạn thân của Trung Quốc.
Trước những dự đoán về tương lai không mấy khả quan của các căn cứ trên đảo, Trung Quốc vẫn không ngừng “nhồi nhét” lên các cơ sở hạ tầng mỏng manh này.

Trung Quốc tiếp tục kế hoạch giám sát các đảo Biển Đông

Đến tháng 11 năm 2019, Trung Quốc triển khai một khinh khí cầu giám sát trên Đá Vành Khăn.
Theo báo cáo của Joseph Trevithick tại The War Zone: “Một khinh khí cầu giám sát mang theo radar là một lựa chọn khả quan và cũng tương đối rẻ để giám sát các hoạt động khác nhau xung quanh đảo Đá Vành Khăn, cũng như phát hiện kịp thời các tên lửa đất đối không để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng”.

Hải quân Hoa Kỳ điều động định kỳ một tàu chiến đến gần một trong những căn cứ trên đảo của Trung Quốc để khẳng định quyền hợp pháp của lực lượng Hoa Kỳ khi đi qua các vùng biển quốc tế. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương, các tiền đồn có thể sẽ là mục tiêu quan trọng của Mỹ.