Trung Quốc đang lớn tiếng trên mọi phương diện: từ kinh tế, ngoại giao và quân sự. Trong khi thế giới đang bận đối phó với dịch bệnh và giải quyết vấn đề kinh tế sau dịch, một số nước đối phó với làn sóng tái bùng phát tiếp tục thì Trung Quốc lại ra sức thể hiện sức mạnh quốc phòng trên biển Đông. Hôm nay chúng ta cùng bàn luận về chủ đề “Vì sao Trung Quốc muốn nuốt trọn biển Đông?”. Đó là vì tầm quan trọng của Biển Đông.

vi sao trung quoc muon chiem huu bien dong 36697
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở vùng biển Tây Thái Bình Dương (ảnh: Chinamil.com.cn/Flickr).

 

Lý do căn bản cho tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là Biển Đông có vị trí chiến lược then chốt về quân sự và có nguồn lợi to lớn về kinh tế.

Tầm quan trọng của Biển Đông về mặt quân sự

Biển Đông là một trong những tuyến giao thương đường biển quan trọng bậc nhất của thế giới, trải dài từ Singapore đến eo biển Malacca về phía Tây Nam và đến eo biển Đài Loan về phía Đông Bắc. Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh nó, mà còn chi phối khu vực Đông Á và thế giới bởi vị trí án ngữ tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng trình Nghị viện Mỹ năm 2015 đã đưa ra những điểm trọng yếu có thể nhắm vào Trung Quốc, đó chính là Biển Đông – lãnh hải được Trung Quốc nhìn nhận là một vị trí chiến lược then chốt. Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá khu vực này là yếu huyệt cần tác động để khống chế sự hung hăng của Trung Quốc.

Một điểm quan trọng là Biển Đông có các đảo, quần đảo ngoài khơi đều nằm ở vị trí trung tâm. Các thực thể này đóng vai trò vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia. Đây là nơi lý tưởng để đặt các trạm ra-đa, trung tâm thông tin, căn cứ quân sự, trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… Các chiến lược gia cho rằng nước nào kiểm soát được các đảo và quần đảo then chốt này sẽ khống chế được toàn bộ Biển Đông.

Tầm quan trọng của Biển Đông: Trung Quốc muốn áp đường 9 đoạn lưỡi bò.  Đường chữ U, Đường chín khúc, là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải tại Biển Đông mà Trung Hoa Dân Quốc và sau này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 dưới thời chính quyền Tưởng Giới Thạch, trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc".

Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do "không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn"
Đường lưỡi bò ở Biển Đông theo yêu sách của Trung Quốc (ảnh: An ninh thủ đô).

Tầm quan trọng của Biển Đông về mặt kinh tế

Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch

Biển Đông nằm trên tuyến đường biển chiến lược nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả 4 phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. 5 trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay đều đi qua hoặc có liên quan đến Biển Đông.

Biển Đông được đánh giá là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Khoảng 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Tuyến vận tải biển qua Biển Đông được xem là quan trọng số 1 đối với lưu chuyển hàng hóa của không nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á mà trên cả thế giới. Mỗi năm, ước tính có khoảng 5.300 tỷ đô la hàng hóa đi qua Biển Đông.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng của Mỹ được chuyên chở qua Biển Đông và lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama; khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản mỗi năm được vận chuyển qua Biển Đông; 55% tổng lượng hàng xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á đi qua Biển Đông.

Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú

Vào năm 2013, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra báo cáo ước tính Biển Đông nắm giữ trữ lượng dầu mỏ đã được xác minh và trữ lượng khả năng lên đến khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5.300 tỷ m3 khí tự nhiên. Trữ lượng dầu mỏ đã được xác minh có xác suất khai thác được là 90%, còn trữ lượng khả năng có xác suất khai thác được là 50%.

Về tài nguyên của khu vực Biển Đông, Bộ Tài nguyên và Địa chất của Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông khoảng 17,7 tỷ tấn, so với trữ lượng 13 tỷ tấn của Kuwait. Một số nguồn khác cho rằng trữ lượng dầu mỏ xác minh trong Biển Đông là 7,5 tỷ thùng. Trung Quốc gọi Biển Đông là “vịnh Ba Tư thứ hai”. Tập đoàn Khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc dự tính chi 200 tỷ nhân dân tệ tương đương 30 tỷ đô la Mỹ trong vòng 20 năm để khai thác dầu khí trên khu vực Biển Đông, với độ sâu lên đến 2000 mét trong 5 năm tới với sản lượng khai thác lên tới 25 triệu tấn dầu và khí.

Ngoài ra, theo thông tin từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Biển Đông có nguồn lợi từ khai thác hải sản rất lớn. Biển Đông được xếp hạng thứ 4 trong số 19 khu vực đánh cá tốt nhất trên toàn cầu về tổng sản lượng đánh bắt cá hàng năm. Ước tính mỗi năm có khoảng 6 triệu tấn hải sản được đánh bắt, tương đương 10% tổng khối lượng hải sản được đánh bắt trên toàn thế giới.

Như vậy, con số ước tính giá trị thu được từ việc đánh bắt cá và dầu từ biển lên đến hơn 1.000 tỷ đô la Mỹ.

Từ một số điểm trên có thể cho thấy, biển Đông dậy sóng trong suốt thời gian qua đều xuất phát từ việc Trung Quốc tham vọng chiếm hữu khu vực gắn với nhiều lợi ích đặc biệt này. Âm mưu thống trị hàng hải, muốn kết nối con đường tơ lụa đường bộ gắn liền với con đường tơ lụa trên biển tạo thành một vành đai, một con đường mà qua đó Trung Quốc có thể biến nó thành bàn đạp tấn công quân sự hay kinh tế, chính trị lên các quốc gia và các khu vực trên thế giới.