Vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã tăng kỷ lục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Số lượng các hoạt động tăng cao chưa từng có so với những năm trước đó, theo báo Military.

Từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020, Mỹ đã thực hiện 10 hoạt động chống lại các yêu sách hàng hải tại Biển Đông; trong đó có 6 hoạt động đặc biệt nhắm vào “yêu sách hàng hải quá mức” của Trung Quốc. Thông tin này do ông John Supple, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, theo Military.

Ông Supple cho biết, trong năm tài chính 2019, Mỹ đã thực hiện 8 hoạt động tự do hàng hải. Các tàu hải quân cũng đã đi qua eo biển Đài Loan 13 lần vào năm 2020. Đây là số lượng quá cảnh cao nhất trong ít nhất 14 năm, theo The Associated Press.

Hằng năm, Hoa Kỳ tiến hành hàng trăm hoạt động tự do hàng hải trên toàn cầu. Hoạt động này là nhằm khẳng định quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế. Riêng tại Biển Đông, các hoạt động như vậy càng thêm nóng bỏng khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng.

Chính quyền Trump đã đưa ra hàng loạt chính sách cứng rắn nhắm vào Trung Quốc; bắt đầu từ việc đánh thuế đối với hàng tỷ đô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Năm 2018, các chiến lược quốc phòng của Mỹ tập trung chủ yếu vào mối đe dọa từ Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Mỹ đổi tên bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là một trong các động thái rõ nét của chính quyền Trump trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu hải quân đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Hành vi của Trung Quốc là trái ngược với luật pháp quốc tế; trong khi Hoa Kỳ hoàn toàn tuân thủ các quy tắc đó; điều này thể hiện tầm nhìn của chúng tôi về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, nên được tôn trọng và bảo đảm chủ quyền của họ; đảm bảo rằng họ không bị ép buộc; và có thể theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế phù hợp các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”.

Ông McCain, phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cho biết vào thời điểm 12/2020.

Cũng trong tháng 12/2020, chính quyền Trump đã ra lệnh trừng phạt hàng loạt cá nhân, thực thể giúp Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Vào ngày 14/1, vài ngày trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Trump tiếp tục ban hành lệnh trừng phạt mới nhắm vào yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính quyền Biden tiếp nối lập trường của ông Trump ở Biển Đông

Ông Biden từng là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama trong 8 năm. Chính ông Biden là người đã ngăn cản quân đội Mỹ tuần tra Biển Đông nhằm tránh căng thẳng với Trung Quốc; theo tiết lộ của ông Michael Pillsbury, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc.

Thực tế là chính quyền Obama đã không cho phép quân đội tuần tra Biển Đông suốt từ năm 2012-2015. Trong thời gian này, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên các hòn đảo và rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, chính quyền Biden chưa có động thái sửa đổi nào đối với lập trường của Tổng thống Trump ở Biển Đông. Đầu năm 2021, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Vào tháng 2/2021, tàu Russell đã tiến gần quần đảo Trường Sa, thách thức các yêu sách phi pháp của Trung Quốc.