Sau hơn một tháng bị chó cắn, anh T. (ở Hải Dương) bắt đầu lên cơn dại. Được đưa đến viện cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Theo báo Dân Việt dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương cho biết, ngày 20/6 gia đình anh T. mua chó nặng khoảng 2-3 kg của người chú vợ ở Sơn La. Ngày 5/9 con chó cắn vào chân anh Hoàng Thái Q (39 tuổi) là bạn anh T. Sau đó đến ngày 6/9 con chó tiếp tục cắn con trai anh T., lúc này, anh T. ra đánh con chó thì cũng bị cắn vào tay. 

Một ngày sau, con chó chết và được gia đình đem vứt ra sông gần nhà. Cả 3 người bị chó cắn đều không đi tiêm phòng bệnh dại.

Báo VTV cho biết, ngày 17/10, anh T. xuất hiện các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi đi khám tại phòng khám Tuấn Hưng gần nhà.

Ngày 21/10, anh T. được đưa lên Bệnh viện Tâm thần Hải Dương khám và sau đó được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Anh T. có biểu hiện, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nói lảm nhảm, chui gầm giường.

Tình trạng bệnh ngày càng nặng, anh được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng hôn mê phải thở máy. Đến trưa ngày 22/10, gia đình bệnh nhân xin đưa về nhà, chiều cùng ngày anh T. tử vong.

Theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, anh T. dương tính với virus dại.

Thông tin từ báo VietNamnet, sau khi anh T. tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương đã yêu cầu 2 người còn lại bị chó cắn đến Bệnh viện khám và theo dõi sức khoẻ, đồng thời rà soát tất cả những người tiếp xúc gần với anh T. để được tư vấn sức khoẻ.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra. Khi bệnh nhân lên cơn dại, gần 100% tử vong.

Ngoài sợ tiếng động, ánh sáng, bệnh nhân còn xuất hiện một số triệu chứng rét run, vã mồ hôi, sau đó đều rơi vào trạng thái co thắt thanh quản, suy hô hấp rồi tử vong.

Một người bị chó dại cắn, phát bệnh nhanh hay chậm phụ thuộc mức độ tổn thương và vị trí vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. 

Do vậy, thời gian ủ bệnh thường từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm.

Khi bị động vật cắn nạn nhân cần đi tiêm vắc xin, bác sĩ khuyến cáo các hộ gia đình cần nâng cao nhận thức khi nuôi chó, mèo bằng việc tiêm phòng, đeo rọ mõm cho vật nuôi khi ra đường.