Ông Chắt kể từ lúc nuôi những đứa trẻ đầu tiên cho đến nay đã gần 300 cháu, đến nay ông bị không ít người bảo “bị điên”. ‘Nhưng tôi có quan điểm nếu tiền mà để lại cho con cái, họ hàng cũng không gọi là cho, mà cho các cháu mồ côi mới là để lại cho xã hội”.

‘Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn, đủ mặc’

Chiều 28/11, ông Nguyễn Trung Chắt – Giám đốc Trung tâm Hy vọng xuất hiện trên sân khấu của Lễ Tôn vinh 400 gương sáng vì cộng đồng. Trong buổi lễ, được gặp và nghe lời tri ân cảm động từ những người được ông từng nuôi dưỡng, người cựu binh 75 tuổi không khỏi nghẹn ngào.

“Tôi đã cố gắng nuôi các con đủ ăn, đủ mặc. Hôm nay, tôi thực sự bất ngờ, cảm động vì thấy các con mặc áo dài. Tôi tiếc vì chưa từng may được cho các con những tấm áo dài trắng đẹp như vậy…”, ông Chắt xúc động.

Những người con ngoan gửi lời cảm ơn tới cha nuôi
Ảnh chụp màn hình báo Dân Việt

Theo Dân Việt, ông càng xúc động hơn khi “lũ trẻ” gửi tới người cha, người bác của mình bức thư cùng món quà nhỏ đầy ý nghĩa ngay trên sâu khấu.

“Bác kính yêu! Chúng con – những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng, nhớ như in hình ảnh năm xưa bác đã mua cho chúng con từng đôi tất, đôi giày, tấm áo. Những lúc đó, các con rất vui sướng, nhưng chưa một lần ngoảnh lại nhìn bác. Lúc đó, chúng con chỉ nghĩ tới niềm vui thích của mình, mà quên mất bác. Quên mất bác đang mặc chiếc áo sơ mi sờn vai, đôi giày cũ. Vậy mà bác chỉ nghĩ cho chúng con, sợ chúng con chưa có giày ấm để đi, chưa có chăn ấm để đắp, chưa ăn no ngủ kỹ”, trích thư đọc của những đứa con.

 ‘Để lại tiền cho con cái là chết’

Theo Thanh Niên, ông Chắt đã một mình xây dựng 3 trung tâm bảo trợ xã hội và nuôi dạy gần 300 đứa trẻ mồ côi, bất hạnh.

Về việc tự mình thành lập trung tâm và nuôi những đứa “con hờ”, ông tâm sự, quê ông ở thôn Phú Cường (xã Phú Thịnh, H.Kim Động, Hưng Yên). Cạnh nhà có mấy đứa trẻ mồ côi bố mẹ, ở với ông bà, chả ai quản lý, bỏ học đi trộm cắp. Vậy là, sau khi nghỉ hưu (năm 2002), ông về quê thành lập trung tâm đầu tiên mang tên Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu, với mục đích nhận trẻ em mồ côi về nuôi dạy để giữ bình yên làng xóm.

Đến năm 2007, ông tiếp tục xây dựng trung tâm nữa ở H.Lộc Bình (Lạng Sơn), nơi ông từng đóng quân. Đầu năm 2020, ông mở thêm trung tâm ở H.Hữu Lũng, cũng tại tỉnh này, với mong muốn sau này sẽ mở các dịch vụ an sinh xã hội tại đây, để những đứa con ông có chỗ làm việc.

Những đứa trẻ mồ côi ở Trung tâm Hy vọng Hữu Lũng
Ảnh chụp màn hình báo Dân Việt.

Ông cũng chia sẻ, trước khi nghỉ hưu, ông từng công tác trong quân đội, công an, nhưng với 3 con, đồng lương lại ít ỏi, không đủ trang trải cho gia đình, ông đã xin về hưu sớm để bươn chải, kiếm sống. Dù lao động vất vả kiếm tiền, nhưng khi đã nuôi 3 đứa con (2 gái, 1 trai) ăn học, trưởng thành, ông “thả” chúng ra đời cho tự lập và dốc hết tiền có được để làm từ thiện.

“Nhiều người bảo tôi điên. Nhưng quan điểm của tôi là “sống khỏe, chết nhanh, không có của để dành”, vì nếu để lại tiền cho con cái là chết, vì chúng nó sẽ ỷ lại và còn chia chác nhau, mất tình đoàn kết”, ông lý giải.

Ông Chắt cho rằng tài sản đời người là những đứa con sống tự lập, tử tế, còn của cải không phải là thứ cần để lại. “Ai cũng có một vòng đời, từ lúc là trẻ con, lớn lên, làm việc, kiếm tiền rồi ra đi. Cái để lại là làm được gì cho xã hội, chứ không phải là sống bao nhiêu tuổi và làm được bao nhiêu tiền. Nếu tiền mà để lại cho con cái, họ hàng cũng không gọi là cho, mà cho các cháu mồ côi mới là để lại cho xã hội”, ông trải lòng.

‘Chỉ nghĩ đến tiền thì không thể làm được’

Ông Chắt kể, hiện tại mỗi tháng, tiền nuôi hơn 100 đứa trẻ (mỗi trẻ tối thiểu 2,5 triệu đồng) thì đã tốn 250 triệu đồng. “Nếu mà móc túi ra từng đó tiền thì không có được, nhưng tôi phải xoay xở. Tôi cho các con tăng gia trồng rau, nuôi lợn, cám nuôi thì mình có thể mua, nhưng cũng có thể ra nhà máy cám xin vét những cám rơi vãi. Thức ăn cho các con hằng ngày cũng phải tìm cách mua cho rẻ như: nếu muốn mua cá, tôi rình nhà nào tát ao mua những loại cá nhỏ về xay ra, chế biến thành chả, ăn vẫn ngon…”, ông kể.

Đặc biệt, để có đủ đồ dùng cho các con, có lúc ông phải lọ mọ đi xin cả băng vệ sinh. “Khi tôi thấy các mẹ ghi tiền mua băng vệ sinh hằng tháng nhiều quá, tôi hỏi các con mới biết, do các mẹ mua loại rẻ tiền, dùng không tốt, nên tốn nhiều. Vậy là tôi yêu cầu mua loại tốt, đồng thời đến nhà máy sản xuất để xin”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho biết trong 18 năm hoạt động, nguồn kinh phí vận động được từ xã hội chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại ông phải bỏ tiền túi. Để xây dựng 3 trung tâm với kinh phí hàng tỉ đồng, ông đã dốc hết tiền tích cóp của gia đình. Ông đã dốc toàn bộ tiền lương hưu (khoảng 7 triệu đồng/tháng) và tiền cho thuê mặt tiền căn nhà đang ở tại phố Núi Trúc (Q.Ba Đình, Hà Nội) được 50 triệu đồng để chi phí cho lũ trẻ. Nếu tháng nào xin được tài trợ đủ nuôi, ông lại tiết kiệm tiền để sửa chữa nhà vệ sinh, mua thêm đồ dùng sinh hoạt.

Thành quả ngọt ngào của người cha nhân hậu

Tất cả những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh ông Chắt nuôi dạy đều được cho học hết lớp 12, học nghề. Những em có khả năng được học lên ĐH, cao đẳng và hơn 40 em đã có trình độ này. Có trường hợp “ẵm” tới 2 bằng ĐH như chị Hoàng Thị Hồng, tốt nghiệp Trường ĐH Nội vụ và ĐH Luật Hà Nội, hiện được ông giao làm quản lý tại Trung tâm Hy Vọng Hữu Lũng.

Hoặc trường hợp của anh Ngô Quốc Hưng (29 tuổi), nay là thạc sĩ và ông đang dẫn dắt để trở thành lãnh đạo, giúp ông quản lý trung tâm này. Anh là thế hệ đầu tiên ở trung tâm được ông Chắt cho đi học đại học và sau đó học lên thạc sĩ ngành công tác xã hội của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.