Cứ ngỡ cảnh tượng lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền Trung vào mỗi mùa bão lũ, nhưng hôm 1/9 nhiều du khách “sốc nặng” trước hình ảnh Đà Lạt chìm trong nước sau cơn mưa.

Vụ ‘bay lắc’ ngay tại Bệnh viện Tâm thần: hai án tử hình, một chung thân

Trưa 31/8, sau gần hai ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên Nguyễn Xuân Quý (39 tuổi) hình phạt tử hình về ba tội: Tàng trữ trái phép chất ma túy, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Mua bán trái phép chất ma túy.

“Đàn em” của Quý, Nguyễn Văn Ngọc cùng nhận án tử hình về hai tội: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và Mua bán trái phép chất ma túy.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Cùng tội danh với Ngọc, bốn “đàn em” còn lại của Quý cũng bị phạt từ 7 năm 6 tháng tù đến chung thân. Với bốn cựu cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, HĐXX nhận định có “động cơ hám lợi”, lợi dụng chức vụ, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị tuyên phạt từ 3-7 năm tù.

Bản án xác định, cuối năm 2020, Quý tự cải tạo buồng bệnh bệnh viện để có thêm một phòng riêng khép kín, trang bị loa, âm ly, đèn nháy phục vụ việc “bay lắc”. Từ tháng 3/2021, Quý thường xuyên chỉ đạo đàn em đi giao ma túy và cho sử dụng ma tuý miễn phí tại phòng điều trị tầng 2.

Quý nhiều lần đưa tiền và cho nhóm nhân viên bệnh viện tham gia tiệc ma tuý nhằm bao che cho Quý.

Bốc thăm vào mầm non

Mới đây, hàng trăm phụ huynh có con ở độ tuổi từ 3-4 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải tham gia “trò chơi may rủi” để bốc thăm giành suất cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022 – 2023.

Trong khi đó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt cho biết, năm nay số lượng trẻ đăng ký vào trường tăng đột biến nên phía nhà trường phải đưa ra giải pháp trên.

Ảnh chụp màn hình báo Zing.

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra các cháu học sinh mẫu giáo phải được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục. Học sinh nào cũng được quyền vào trường công lập. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, không thể chịu số phận bốc thăm may rủi như vậy.

Tuy nhiên theo nguồn tin báo Thanh Niên, sự việc nêu trên được chính quyền sở tại tổ chức trong bối cảnh hơn 11,5 ha, gồm 12 lô đất để xây dựng trường học trên địa bàn, bị bỏ không đã nhiều năm, do không được Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Xây dựng và các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

Phố núi Đà Lạt chìm trong biển nước, chuyên gia nói gì?

Hôm 1/9, cơn mưa nặng hạt dài khoảng 30 phút trút xuống TP. Đà Lạt khiến nhiều điểm ngập nặng, phố biến thành sông. Rất nhiều đọc giả sốc nặng “không thể hiểu nổi”: Tại sao phố núi lại ngập?

Lý giải hiện tượng này, chuyên gia về môi trường cho rằng, nguyên nhân là do mật độ xây dựng quá dày, phá vỡ quy hoạch, thiếu không gian cho việc thoát nước.

Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.

Ngoài việc quy hoạch không tốt, kèm lượng mưa lớn, các nhà kính che diện tích đất khiến không đủ độ thấm khiến nước đổ thẳng ra suối tạo nên áp lực rất lớn cho hạ nguồn TP Đà Lạt. 

Đồng thời lượng rác thải dân dụng và rác thải nông nghiệp vứt bừa bãi khiến cống rãnh bị đầy ứ, tắc nghẽn. Do đó thành phố thường ngập cục bộ khi mưa lớn, ảnh hưởng cuộc sống người dân. 

Hiện rất nhiều người lo lắng cho thành phố sương mù ngàn thông nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp toàn cầu rằng, liệu theo xu thế phát triển đô thị, hồn phố núi sẽ cùng chung số phận như Hà Nội, TP. HCM….

Lao động Việt thu nhập bằng một nửa Thái Lan

Từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Đông Nam Á và Trung Quốc, Ấn Độ để đánh giá tương quan chất lượng nguồn nhân lực nội địa cũng như mức thu nhập của lao động tại từng quốc gia.

Theo kết quả khảo sát, người lao động Trung Quốc làm việc tại các công ty Nhật Bản được hưởng mức lương tốt nhất với 493 USD/tháng (khoảng 11,5 triệu đồng), theo sau là Thái Lan với 446 USD (10,4 triệu đồng).

Người lao động Việt Nam có mức thu nhập chỉ hơn Campuchia, Lào, Myanmar và tương đương với Philippines là 236 USD (5,5 triệu đồng). Con số này kém rất xa và chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan.

Lý giải việc này, JICA cho rằng dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất. Song mức thu nhập đối với lao động Việt không cải thiện do chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp. Đối với ngành đòi hỏi trình độ cao, lao động Trung Quốc, Thái Lan vẫn chiếm ưu thế so với Việt Nam.

Ngư dân Việt trên cạn thiếu dầu, dưới biển bị Trung Quốc ngang ngược cấm đánh bắt cá

Sáng 29/8, vào mùa cao điểm vụ đánh cá nhưng tại cảng Phan Thiết cả trăm tàu cập bờ. Theo chia sẻ của ngư dân hầu hết tàu cá đang dừng hoạt động do không có dầu đi biển.

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Ngoài khu vực cảng cá Phan Thiết, nhiều ngư dân ở cảng cá Phú Hài, bến cá Mũi Né (Phan Thiết), cảng cá Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) cũng phản ánh không mua được xăng dầu để chạy tàu đi đánh cá. Từ 27/8, các cửa hàng bán nhỏ giọt. Một số ít ngư dân là bạn hàng quen thuộc mua được, nhưng với số lượng cầm chừng, không đủ đi đánh bắt.

Theo giải thích từ đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân của việc thiếu dầu chủ yếu là do nguồn cung bị gián đoạn.

Ngư dân Việt Nam không chỉ gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dịch bệnh tác động đến giá hải sản. Hàng năm từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa khai thác thì ngư dân Việt lại bị Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt trên Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ.

Từ Khóa: