Bước vào phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ sáng ngày 22/1, bị cáo Đinh La Thăng bị phóng viên báo chí vây quanh chụp hình.

Hai bị cáo được chú ý nhất trong phiên xử là Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC). Đây cũng là hai trong những người bị áp giải đến tòa sớm nhất.

Khoảng 6h 55 phút, bị cáo Trịnh Xuân Thanh được giải vào tòa. Báo Tuổi Trẻ tường thuật “ông Thanh cầm theo một tập tài liệu, bị còng tay, cố giơ tay chào mọi người”.

Bức hình trên báo Tuổi Trẻ chụp thời điểm Trinh Xuân Thanh chuẩn bị bước vào phòng xử án. Khác với ông Thăng, bị cáo Thanh bị còng tay (ảnh chụp màn hình).

Lúc 7h, bị cáo Đinh La Thăng đeo khẩu trang, tay không bị còng, cảnh sát áp giải hai bên, bước vào tòa án. Đây là lần ra tòa thứ 4 của cựu Bí thư TP. HCM, Bộ trưởng GTVT trong vai trò bị cáo.

Nhiều phóng viên dàn hình vòng cung, chĩa máy quay, máy ảnh về phía ông Thăng. Đèn flash nháy liên hồi. Bất ngờ ông Thăng dừng lại vài giây, nhìn về phía trước. Tiếp sau hành động bất ngờ này, ông Thăng hỏi “xong chưa” rồi bước tiếp – theo tường thuật của phóng viên báo Dân Việt.

Video ông Đinh La Thăng dừng lại trên đường vào tòa án (nguồn: Báo Dân Việt)

Ông Thăng khi đương chức, xuất hiện nhiều trên báo chí, kèm trích dẫn các phát ngôn và hành động. Khi vướng vòng lao lý, ông Thăng cũng bị lên hình nhiều. Lần ra tòa thứ 3, trong vụ xử sai phạm liên quan đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào tháng 12/2020, trong lời bào chữa, ông Thăng nhắc đến hoàn cảnh của mình: “Hằng ngày tôi phải chịu tù đày, tra tay vào còng, phơi mặt trên báo. Vì vậy, theo quyền và luật, HĐXX hãy cho tôi được nói và được nói sự thật”.

Ra về vì hoãn xử

Theo lịch trình, hôm nay khởi đầu chuỗi 10 ngày Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh các bị cáo khác bị đưa ra xét xử trong vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).

Tuy nhiên, sau phần thủ tục, ông Thăng và các bị cáo khác bị giải ra về nhà giam. Nguyên do là trong phần thủ tục, chủ tọa thông báo bị cáo Trần Thị Bình (cựu phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) vắng mặt do sức khoẻ yếu và đã có đơn xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra, đại diện PVN, PVC và nhiều nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác cũng vắng mặt.

Phía luật sư bà Bình đã yêu cầu HĐXX cho hoãn phiên tòa.

Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đề nghị hoãn phiên tòa.

Đại diện VKSND TP Hà Nội cùng ý kiến.

Sau hội ý, HĐXX chấp nhận phiên tòa được hoãn; thời gian mở lại ấn định sau.

Về vụ dự án Ethanol Phú Thọ

Năm 2009, Công ty CP hóa dầu nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) quyết định đầu tư dự án Ethanol với tổng mức đầu tư hơn 1.317 tỷ đồng, công suất 100.000 m3/năm.

Ông Đinh La Thăng khi đó với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, có chủ trương giao thầu cho các đơn vị trong nội bộ PVN, trong một cuộc họp đã có chỉ đạo “đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC)”.

Từ chủ trương này, dù PVC, sau đó là liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, không đáp ứng được các điều kiện về năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn thiết kế, kinh nghiệm… nhưng vẫn được chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC của dự án, dẫn đến dự án không thể hoàn thành, phải dừng thi công năm 2013, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình (nguyên Phó tổng giám đốc PVN); bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và các bị cáo khác biết liên danh nhà thầu không đủ năng lực, nhưng vẫn cố ý làm trái các quy định để hoàn thành chỉ định thầu cho liên danh trên.

Đinh La Thăng bị cáo buộc ban hành chủ trương, chủ trì các cuộc họp để kết luận, chỉ đạo quyết liệt PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, phạm vào tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 224 bộ luật Hình sự 2015.

Trịnh Xuân Thanh ngoài tội danh trên, còn bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, có vốn góp tại PVC Kinh Bắc; tạm ứng tiền của PVC trái quy định (25 tỷ đồng) để mua lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo.

(Theo báo Thanh Niên tóm lược từ cáo trạng của Viện KSND tối cao)