Gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó được lưu truyền từ xa xưa, là nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi dịp Xuân về, nhiều gia đình tổ chức gói bánh chưng ăn Tết. Đó là cơ hội để con cháu quây quần ấm áp bên nhau; và để cảm tạ đất trời mưa thuận gió hòa, cho con người cái ăn, cái mặc.

Xã hội phát triển, các thành phố lớn dịch vụ đều sẵn có, việc mua bánh chưng trở nên nhanh gọn và đơn giản hơn. Theo đó, nét đẹp tinh thần của sự sum vầy và lòng biết ơn cũng dần dần mai một đi. Liệu phong tục gói bánh chưng ngày Tết có nên được thế hệ trẻ tiếp quản và duy trì nữa hay không?

Truyền thuyết bánh chưng ngày Tết

Truyền thuyết Bánh chưng bánh dày xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, Vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: Ai tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên mang ý nghĩa, sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các con của Vua Hùng người lên rừng, người xuống biển các sản vật quý làm lễ vật dâng lên nhà vua.

Riêng chàng Lang Liêu người con nghèo, không có sản vật quý để dâng vua cha; chàng dùng nông sản thường ngày như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong tạo ra hai loại bánh, bánh chưng và bánh dày để dâng lên cha.

Chàng giải thích, rằng bánh dày tròn tượng trưng cho trời, bánh chưng vuông màu xanh, tràn đầy sức sống tượng trưng cho đất. Đây là món ăn dân dã, đơn giản, mà sau mỗi mùa vụ chàng đều làm như một lòng biết ơn đối với trời đất và Vua cha đã cho muôn dân cơm no, áo ấm.

Vua Hùng vô cùng cảm động về ý nghĩa lễ vật mà Lang Liêu dâng lên; nhà Vua đã chọn được người có đức để truyền ngôi. Từ đó bánh chưng, bánh dày là lễ vật không thể thiếu trong ngày Tết. Nó thế hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn; và sự sum vầy ấm áp trong mỗi gia đình người Việt.

Mẹ tôi truyền cảm hứng cho ngày Tết sum vầy

Gia đình chị Hằng gói bánh chưng mỗi dịp xuân về (Ảnh Mucnews).
Gia đình chị Hằng duy trì việc gói bánh chưng mỗi dịp xuân về (Ảnh Mucnews).

Gia đình chị Nguyễn Hằng bỏ phố về quê, chia sẻ cảm nhận về nồi bánh chưng ngày Tết:

Mẹ chồng tôi năm nay đã 80 tuổi, cho dù thời bao cấp vất vả nhà tập thể chật chội; hay ngày nay mọi thứ tiện lợi hơn bước ra cửa là mua được mọi thứ; nhưng mỗi dịp Tết đến là mẹ tôi lại gói bánh chưng.

Bất kể các con cháu có làm cùng hay không, thì mẹ vẫn cần mẫn chuẩn bị mọi thứ để có nồi bánh chưng đón Tết. Chúng tôi là những người sinh ra khi nền kinh tế mở cửa; được học hành có công ăn việc làm ổn định; đã từng nghĩ rằng sau một năm vất vả, thì Tết là lúc nghỉ ngơi thư giãn, hay đi du lịch. Nên cái Tết đối với thế hệ ngày nay là sự hưởng thụ.

Sau nửa cuộc đời với trải nghiệm được mất, nhận biết ra ý nghĩa cuộc sống; chúng tôi trân trọng hơn giá trị của truyền thống. Những gì mà tổ tiên chúng ta miệt mài duy trì, đó là gốc rễ của sự ấm áp sẻ chia, và lòng biết ơn với cội nguồn. Từ đó, chúng ta có một năng lượng tràn đầy yêu thương, cho một năm mới tốt lành.

Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì những giá trị giá trị truyền thống. Mỗi dịp Tết đến xuân về, là để mọi người trong gia đình sum họp, sẻ chia buồn vui, là nơi để trở về… như những gì mà mẹ tôi đang làm, và chúng tôi trân trọng điều đó.

Ngày nay và những giá trị truyền thống

Trong xã hội hiện đại, phong tục truyền thống dần dần bị mai một. Cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng niềm tin và và sự cảm thông sẻ chia lại ít đi. Hàng ngày chúng ta chứng kiến những vụ việc bạo lực, như ngược đãi trẻ em, người già; hay sự vô cảm bước qua hoàn cảnh cần giúp đỡ, tại sao lại như vậy?

Theo thống kê, những người phạm tội thường xuất thân trong gia đình mà ở đó ít có sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Họ mất đi niềm tin nơi cuộc sống; chỉ còn lại sự đơn độc, sợ hãi và họ hành xử lệch lạc theo quan điểm cá nhân. Mạng xã hội, trò chơi điện tử, trí tuệ nhân tạo… góp phần thúc đẩy nhanh sự biến dị trong hành vi ứng xử. Kết quả tất yếu tạo ra một quần thể hỗn độn, vô cảm.

Giá trị truyền thống đưa con người trở về với sự yêu thương và lòng biết ơn vạn vật xung quanh. Nó làm cho con người tin tưởng nhau, tin vào nhân quả báo ứng, thay đổi lối sống; từ đó đạo đức hồi thăng, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Hãy cùng nhau thực hiện từ những việc nhỏ, như gói bánh chưng – một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Khi mọi người cùng nhau ngồi bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói, thì chính là sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ.

Kính chúc mọi nhà một năm mới Sức khỏe và Hạnh Phúc!

Minh Anh

Xem thêm: