Chủ đầu tư xin cấp 159 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để nâng cấp hệ thống thu phí tuyến Metro số 1.

Tuyến Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 20 km, khởi công năm 2012, dự kiến quý 4 năm 2023 vận hành. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP. HCM, có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).

Dù chưa hoạt động, nhưng hệ thống thu phí tự động (AFC) ở tuyến Metro này bị đánh giá là lạc hậu. Ví dụ, hệ thống này chỉ hỗ trợ ba loại vé cơ bản, gồm: vé lượt, vé ngày (một và ba ngày) cùng vé tích tiền (nạp tiền rồi trừ dần khi đi, hết phải nạp thêm). Đây là các loại vé không định danh, nên không áp dụng được chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, khuyết tật…

Việc mua vé, nạp tiền chỉ thực hiện được ở máy bán vé hoặc nhà ga, chưa hỗ trợ các hình thức như chuyển khoản, ví điện tử, thẻ tín dụng… AFC cũng chưa được thiết kế để liên thông các loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt, BRT.

Cận cảnh đoàn tàu metro số 1 từ Nhật Bản cập cảng Khánh Hội vào sáng 10/5.
Cận cảnh đoàn tàu metro số 1 từ Nhật Bản cập cảng Khánh Hội vào sáng 10/5 (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên/VTC News).

VnExpress dẫn lý giải Ban quản lý đường sắt đô thị TP (chủ đầu tư) về nguyên nhân lạc hậu, là do hệ thống AFC được tư vấn dự án rà soát thiết kế và lập hồ sơ mời thầu cách đây 12 năm – khi các cơ chế, chính sách trong nước chưa đầy đủ. Phía tư vấn cũng chưa hiểu hết các chính sách giá vé tại thành phố, nên đề xuất ba loại vé cơ bản.

Ngoài ra, hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử… hiện phổ biến, nhưng 12 năm trước lại không thông dụng, nhất là với giao thông công cộng. Thời điểm đó, nhiều nước có đường sắt đô thị phát triển cũng chưa phổ biến các hình thức thanh toán này nên nhà thầu thiếu cơ sở để thiết kế cho Metro Số 1.

Theo Tuổi Trẻ, Ban quản lý đường sắt đô thị TP đã xin cấp 159 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để nâng cấp hệ thống thu phí. Số tiền này để đầu tư thiết bị phần cứng, hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp phần mềm, lắp đặt cổng soát vé… và chạy song song với hệ thống AFC đang có.

Mời độc giả xem thêm: