Từ 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 (chính thức có hiệu lực kể từ 25/8) về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Nghị định mới này đã bổ sung thêm nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Một trong số đó là quy định xử phạt liên quan đến hành vi không phân loại rác.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 – 1 triệu đồng. Còn không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể bị phạt từ 20 – 25 triệu đồng…

Người dân phân loại rác trước khi vứt bỏ ra môi trường – Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Ngoài ra, việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đến đúng điểm tập kết, trạm trung chuyển, địa điểm đã quy định, cơ sở xử lý chất thải theo quy định cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng (ví dụ như rơm, rạ…) cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo nghị định này là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.