Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư (13/1) đã bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Donald Trump lần thứ hai với cáo buộc rằng tổng thống đã kích động cuộc bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1. Kết quả này sẽ kích hoạt một phiên tòa tại Thượng viện. Tuy nhiên, một cựu thẩm phán Mỹ nhận định điều này sẽ không thể xảy ra.
Cựu thẩm phán của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 4 J. Michael Luttig đã đăng bài bình luận trên tờ Washington Post về quyết định luận tội Tổng thống lần thứ hai của Hạ viện Mỹ. Ông cho biết chưa bao giờ có một phiên tòa xét xử thượng viện đối với một tổng thống bị luận tội được tổ chức sau khi họ rời nhiệm sở, nếu làm như vậy sẽ là vi hiến.
“Chính Hiến pháp đã quy định một cựu tổng thống không thể bị luận tội sau khi ông rời nhiệm sở. Khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc vào ngày 20/1, Quốc hội sẽ mất thẩm quyền theo hiến pháp để tiếp tục các thủ tục luận tội chống lại ông – ngay cả khi Hạ viện đã thông qua các điều khoản luận tội”, cựu thẩm phán Luttig viết trong bài bình luận.
Ông tiếp tục: “Do đó, nếu Hạ viện luận tội tổng thống trước khi ông rời nhiệm sở, thì sau đó Thượng viện không thể kết tội cựu tổng thống và truất quyền ông theo Hiến pháp khỏi chức vụ trong tương lai. Lý do cho điều này được ghi rõ trong Hiến pháp. Ông Trump sẽ không còn đương nhiệm trong Văn phòng Tổng thống vào thời điểm thủ tục tại Thượng viện bị trì hoãn, và sẽ không còn bị Thượng viện “kết tội”, theo Điều khoản luận tội của Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là quyền lực duy nhất của Thượng viện theo Hiến pháp là kết tội – hoặc không – một tổng thống đương nhiệm”.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh một tuần trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ, tổng cộng 232 nghị sĩ tại Hạ viện, bao gồm 10 thành viên Đảng Cộng hòa, ngày 13/1 đã bỏ phiếu luận tội tổng thống với cáo buộc “kích động nổi dậy”, theo The Epoch Times. Điều này sẽ dẫn đến một phiên tòa tại Thượng viện.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell mới đây đã xác nhận phiên tòa luận tội sẽ không được bắt đầu cho đến sau lễ nhậm chức ngày 20/1 do các quy tắc và thủ tục tại Thượng viện.
“Dù tiến trình ở thượng viện có bắt đầu từ tuần này và diễn ra nhanh chóng thì quyết định cuối cùng chỉ đạt được sau khi Tổng thống Trump rời văn phòng. Đây không phải là quyết định của tôi mà quy trình là vậy”, ông McConnell cho biết.
Trước đó, Hạ nghị sĩ James Clyburn, phụ tá của bà Nancy Pelosi, hôm Chủ Nhật (10/1) nói rằng đảng Dân chủ có thể đợi cho đến sau 100 ngày đầu tiên Joe Biden nhậm chức để gửi bản luận tội tới Thượng viện. Chính Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng thừa nhận lý do đảng Dân chủ muốn luận tội Tổng thống Trump là để ngăn ông tái tranh cử.
Cựu thẩm phán Luttig cho rằng lý do bà Pelosi đưa ra là không hợp lý, vì cuộc luận tội theo hiến pháp là để cách chức một tổng thống. Nếu tổng thống không bị luận tội theo hiến pháp, thì Thượng viện không có quyền hợp hiến để truất quyền của ông ấy khỏi chức vụ trong tương lai.
Trong khi đó, ông Conrad Black, chuyên gia tài chính nổi tiếng của Canada và là cây viết nổi tiếng thế giới bình luận rằng: “Khi buộc tội sai TT Trump về việc kích động nổi dậy, phe cánh tả đang tiếp tục phớt lờ mong muốn của công chúng về một chính phủ tốt hơn và sự xác nhận rằng ông Donald Trump là giải pháp thay thế duy nhất cho một chính phủ tiền nhiệm mục nát. Việc luận tội là vô nghĩa, Tổng thống Trump sẽ không từ chức, và một chính phủ kém cỏi sẽ không thể dùng những thủ đoạn phỉ báng và bẩn thỉu để thay thế cho hoạt động của nó trong thời gian dài”, theo The Epoch Times.
Có thể bạn quan tâm: