Các môn học ngoài trời như Thể dục, Trải nghiệm hướng nghiệp… cũng được nhồi nhét sách giáo khóa và bán rất đắt, khiến phụ huynh và dư luận ngán ngẩm vì bệnh thương mại hóa trong giáo dục.
Người trong cuộc nói gì về giá sách?
Khi Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều người phản ứng mạnh. Bởi giá bán nhiều bộ sách mới cao đột biến.
Một vài số liệu so sánh: Bộ sách lớp 2 cũ, gồm 6 cuốn bán 53.000 đồng/bộ; sách mới gồm 10 cuốn với giá 186.000 đồng/bộ.
Bộ sách lớp 3 cũ gồm 6 cuốn; bộ mới có tới 12 cuốn, chưa kể sách Tiếng Anh. SGK lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn.
Không chỉ vậy, các bộ sách giáo khoa mới lớp 1, lớp 2, lớp 6 đều cao hơn so với bộ cũ.
Theo thống kê từ Zing, bộ lớp 1, giá sách giáo khoa mới dao động trong 179.000-194.000 đồng/bộ, cao gấp từ 3 đến gần 4 lần bộ cũ (54.000 đồng/bộ). Sách giáo khoa mới lớp 2 có giá 176.000-203.000 đồng/bộ trong khi giá bộ cũ chưa đến 1/3, chỉ 53.000 đồng/bộ. Với sách lớp 6, bộ mới có giá 234.000-259.000 đồng còn bộ cũ giá 99.000 đồng.
Những người trong cuộc lý giải cho việc giá sách giáo khoa tăng đột biến ra sao? Nguyên nhân đầu tiên được kể ra là do giá sách tăng theo giá cả thị trường. Thứ hai, sách mới được in màu, trên giấy tốt. Thứ ba, số đầu sách tăng hơn nhiều so với các bộ sách cũ.
Thêm một lý do nữa là nhà xuất bản tự bỏ chi phí để trả nhuận bút cho tác giả. Họ cần có mức nhuận bút cạnh tranh để thu hút người viết sách. Tất nhiên, các khoản này đều sẽ tính vào giá sách giáo khoa bán cho phụ huynh.
Thương mại hóa đã ngấm quá sâu
Bài viết gần đây trên Dân Trí đặt câu hỏi là nhiều môn học có cần tới sách giáo khoa như hiện nay? Như việc lần đầu tiên học sinh có sách giáo khoa môn “Giáo dục thể chất” và sách giáo khoa của “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”.
Một số ý kiến cho rằng, những môn học này, học sinh chủ yếu học ngoài trời. Vậy có cần thiết phải thêm SGK cho học sinh khiến tăng đầu sách và đội giá gấp 2-3 lần?
Vẫn trên Dân Trí, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu SGK chỉ phục vụ giáo dục thì không đến nỗi chênh giá như vậy. Cái chính hiện nay, SGK mang yếu tố thị trường và “đánh” vào nhu cầu giả khiến phụ huynh phải mua cả bộ nên tăng giá.
“Người ngoài nhìn vào cứ tưởng người học cần tất cả số SGK này. Tuy nhiên, thực tế người học chỉ cần một số cuốn căn bản nhưng người bán SGK vẫn đưa vào và bán được cả bộ nên rất lợi”, GS Dong nói.
Cũng theo chuyên gia này, hiện chúng ta chưa quản lý được thị trường SGK và nó đang bị thương mại hóa quá nặng.