Ngày 12/1, chính quyền Tổng thống Trump đã giải mật một tài liệu an ninh quốc gia của Mỹ. Bản tài liệu phác thảo chiến lược hợp tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực để đối đầu với các mối đe dọa từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo The Epoch Times.

Văn bản này gồm 10 trang với các chính sách bảo mật, trong đó nêu bật vai trò của Đài Loan trong việc chống lại sự hung hăng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Chiến lược này là một phần của chính sách an ninh quốc gia do Tổng thống Trump công bố lần đầu vào năm 2017. Trong đó, ông kêu gọi “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên là một khu vực tự do và mở”.

Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cho biết, Bắc Kinh đang ngày càng gây áp lực buộc các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải phục tùng quyền tự do và chủ quyền của mà ĐCSTQ vạch ra.

Vị cố vấn này nói: “Cách tiếp cận của Hoa Kỳ là khác. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng các đồng minh và đối tác của chúng tôi có thể giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của họ”.

Tài liệu đã được giải mật sớm hơn so với dự tính. Tại Hoa Kỳ, các tài liệu quan trọng mang tính an ninh quốc gia sẽ không được công bố trong vòng 25 năm. Có nghĩa là văn bản dài 10 trang này lẽ ra chỉ được công khai vào năm 2043.

Chiến lược quốc phòng của Mỹ đối đầu Trung Quốc với ba mục tiêu

Tài liệu mô tả chi tiết chính quyền Trung Quốc gây ra mối đe dọa với Mỹ và các nước đồng minh trong ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo tài liệu: “Tham vọng của Trung Quốc là giải thể liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Bắc Kinh sẽ khai thác các khoảng trống và cơ hội có được từ các mối quan hệ thưa thớt dần” của Mỹ. Hơn nữa văn bản cũng cho thấy, Trung Quốc tiếp tục bành trướng kinh tế, ngoại giao, quân sự trong khoảng thời gian tới cho những tham vọng của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chiến lược của Mỹ khi đối đầu với quân đội Trung Quốc là “thực hiện một chiến lược quốc phòng có khả năng thực hiện”. Kế hoạch này có ba mục tiêu: phủ nhận sự thống trị của Trung Quốc trên không và trên biển; bảo vệ chuỗi đảo đầu tiên; kiểm soát toàn bộ khu vực bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên.

Chuỗi đảo đầu tiên được đề cập trong kế hoạch bao gồm Kyushu, Đài Loan, Philippines, phía nam Nhật Bản đến Indonesia.

Chiến lược của Mỹ giúp Đài Loan không bị ép buộc và can dự từ Trung Quốc

Tài liệu tiết lộ, chiến lược của Mỹ sẽ “cho phép Đài Loan phát triển một chiến lược và khả năng phòng thủ hiệu quả”; giúp nước này đảm bảo an ninh, không bị ép buộc và can dự từ Trung Quốc.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, dù hòn đảo này có chính phủ do dân bầu, quân đội riêng, tiền tệ riêng so với Trung Quốc Đại lục. Bắc Kinh đã nhiều lần đe doạ sẽ dùng vũ lực quân sự để thâu tóm Đài Loan.

Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn của Đài Loan, ông Kuo Yu-jen cho biết, đây có lẽ là tài liệu công khai đầu tiên của Mỹ mà trong đó xác định Đài Loan là đối tác an ninh quan trọng trong chuỗi đảo đầu tiên.

Ông Kuo Yu-jen cho biết thêm, việc Hoa Kỳ công khai tài liệu là cho thấy ĐCSTQ là mối đe dọa rõ ràng đối với chuỗi đảo đầu tiên. Tài liệu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của vị trí Đài Loan.

Chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc có trụ sở tại Canberra, tiến sĩ Malcolm Davis cho biết, tài liệu nêu rõ quan điểm của Mỹ đối vớ Đài Loan. “Nó ngụ ý rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan nếu Trung Quốc cố gắng thực hiện sáp nhập chống lại ý chí của người dân Đài Loan”, ông Davis viết trên Twitter.

Chiến lược của Mỹ ở các nơi khác

Ngoài Đài Loan, tài liệu còn lưu ý tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ sắp xếp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình với Úc, Nhật Bản và Ấn Độ.

“Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế ở Nam Á và đóng vai trò hàng đầu trong việc duy trì an ninh Ấn Độ Dương; tăng cường gắn kết với Đông Nam Á; mở rộng hợp tác kinh tế, quốc phòng và ngoại giao với các nước đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ trong khu vực”, tài liệu nêu rõ.

Theo tài liệu, Việt nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cùng với các nước khác gồm Maldives, Bangladesh, Sri Lanka, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.