Người tiêu dùng trong nước lo lắng khi Đức, Ba Lan, Malta và mới đây Đài Loan gửi cảnh báo, thu hồi đối với sản phẩm mì ăn liền Việt Nam vì dư chất Ethylene oxide.

Tỷ lệ người trẻ đột quỵ ngày càng tăng

Bác sĩ Tạ Vương Khoa (Bệnh viện Quân y 175, TP. HCM) thông tin, trong vài năm gần đây, bình quân cứ 4-5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện thì có 1 bệnh nhân là người trẻ. Hiện mỗi ngày, tại bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ, trong đó, người trẻ mắc bệnh chiếm từ 20%-25%.

Bác sĩ Khoa đột quỵ trong những năm gần đây đã vượt ung thư để trở thành nguyên nhân tử vong đứng thứ hai, chỉ sau nhồi máu cơ tim.

Về nguyên nhân các chuyên gia y tế cho rằng, nhiều người trẻ khá chủ quan, không hề quan tâm tiền sử bệnh lý, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh…

Làm rõ thông tin ba trường Y Dược ‘không cần đi học, cứ nộp tiền là có bằng’

Ngày 25/8, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp có văn bản hoả tốc gửi Hiệu trưởng các trường CĐ Dược Hà Nội, CĐ Y tế Phú Thọ, CĐ Lê Quý Đôn liên quan đến thông tin cấp bằng không cần qua đào tạo.

Trước đó xuất hiện thông tin Trường CĐ Dược Hà Nội cấp bằng tốt nghiệp không cần qua đào tạo, có “cơ chế” giúp học viên bận công việc thì không cần phải đi học trong suốt quá trình đào tạo; sau khi nộp 14 triệu đồng, chỉ cần cuối kỳ đến lấy đề thi và đáp án các môn về chép và nộp lại. 

Ngoài ra, còn có thông tin nếu học viên muốn lấy bằng sớm nhà trường sẽ chuyển hồ sơ sang trường khác chuẩn bị thi tốt nghiệp, tuy nhiên sẽ phải bổ sung thêm 28 triệu đồng tiền học phí cho trường; có việc đi thi hộ…

Không chỉ vậy, những phản ánh này còn liên quan đến Trường CĐ Y tế Phú Thọ, CĐ Lê Quý Đôn như: Sau khi học viên đóng tiền cho Trường CĐ Dược Hà Nội thì nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khoá học và đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp do Trường CĐ Y tế Phú Thọ tổ chức; học viên của Trường CĐ Dược Hà Nội sau 8 tháng tốt nghiệp nhận được bảng điểm toàn khoá giấy chứng nhận tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp CĐ danh hiệu cử nhân thực hành, hình thức đào tạo chính quy do Hiệu trưởng Trường CĐ Lê Quý Đôn cấp.

Đài Loan tiêu hủy 1,4 tấn mì gói Omachi nhập từ Việt Nam vì có dư lượng thuốc trừ sâu

Sở Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) hôm 23/8 cho biết, họ phát hiện thuốc trừ sâu trong sản phẩm mì ăn liền Omachi do Công ty TNHH Qianyu nhập khẩu từ Việt Nam nên trả lại để tiêu hủy. 

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan dẫn thông tin từ cơ quan thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cho hay, gói bột gia vị trong mì gói hương tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg thuốc trừ sâu ethylene oxide chưa được cấp phép, tổng trọng lượng 1.440 kg bị tiêu hủy. 

Bản tin của Hãng tin CNA (Đài Loan) về việc lô mì ăn liền Omachi có chất cấm ethylene oxide – Ảnh chụp màn hình.

Hồi tháng 8 năm ngoái, hai sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide.

Hay cũng tại Đài Loan hồi tháng 7/2022, quan chức hải quan nước này bắt giữ và tiêu hủy hơn một tấn mì ly JINRO RAMEN sản xuất ở Việt Nam theo công nghệ Hàn Quốc vì chứa hóa chất tương tự. 

Trước vụ việc này nhiều người tiêu dùng Việt đặt câu hỏi vậy chất lượng sản phẩm trong nước của những hãng mì trên có đảm bảo an toàn, cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm chứng điều này?

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị điều tra lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo đã ra quyết định khởi tố bổ sung với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, công an khởi tố bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC. Bốn người này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Cơ quan điều tra cáo buộc từ năm 2014 đến năm 2016 ông Quyết đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư khi làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros (mã cổ phiếu là ROS) và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán.

Tính đến ngày 24/2/2021, ông Quyết chỉ đạo Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được hơn 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trước đó ngày 29/3, ông Quyết bị C01 khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán.

12 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ chiều 23/8 đến sáng 24/8, ở huyện Kon Plông,  Kon Tum liên tiếp xảy ra 12 trận động đất.

Trận đầu tiên độ lớn 4,7 gây rung chấn mạnh nhất ở Kon Tum từ trước tới nay liên quan động đất. Người dân các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc. 11 trận sau đó độ lớn 2,5-2,9. 

Ảnh chụp màn hình báo VnExpress.

Các trận động đất khiến mái ngói của một hộ dân ở xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đổ sập; chưa ghi nhận thiệt hại về người.


Từ Khóa: