Giống với loài côn trùng bay nhưng bướm không phát ra tiếng kêu trong khi ruồi có kích thước nhỏ hơn nhiều lại phát ra âm thanh lớn khi bay.

Khi ruồi hay muỗi bay lượn xung quanh, ở phía xa, chúng ta có thể nghe thấy tiếng “động cơ” vo ve của chúng. Tuy nhiên, loài bướm dù có áp sát tai chúng ta cũng không thể nghe thấy gì. Có phải ruồi muỗi có cơ quan “phát thanh” gì đặc biệt không?

Thí nghiệm cho thấy ruồi, muỗi phát ra âm thanh khi bay

Nguồn video: Tại Sao Vậy?

Trên thực tế, âm thanh đó chỉ là một dao động do đôi cánh gây ra. Để chứng minh điều này, hãy làm thí nghiệm sau: lấy một đoạn tre mỏng và khua nó lên xuống trong không khí. Nếu khua nhẹ thì không nghe thấy được gì; tuy nhiên khua mạnh sẽ có tiếng vo ve rất rõ ràng.

Âm thanh được truyền đến tai của chúng ta bởi vì tai cảm nhận các dao động ở trong không khí. Nhưng chúng ta chỉ có thể nghe thấy những rung động với tần số từ 20 đến 20.000 lần mỗi giây. Nếu nó thấp hơn hoặc cao hơn phạm vi này, thì sẽ không thể nghe thấy gì. Điều đó giải thích tại sao một khúc tre khi khua chậm thì im lặng nhưng khi khua nhanh sẽ tạo ra âm thanh vù vù.

Vì sao ruồi, muỗi khi bay phát ra âm thanh, nhưng bướm thì lại không?
Khi bay ruồi tạo ra âm thanh là do tốc độ cánh khoảng 200/lần/giây. Tần số đập cánh đã tạo ra độ rung trong không khí là nguyên nhân tạo ra âm thanh con người có thể nghe thấy được (ảnh: Thanh Nhã).

Côn trùng phát ra âm thanh khi bay, tương tự như nguyên lý đã đề cập ở trên. Những nhà khoa học cho hay, mỗi giây, con ruồi vỗ cánh khoảng từ 147-220 lần; muỗi 594 lần, có loài còn vỗ tới 1000 lần; ong mật vỗ 260 lần. Tuy nhiên, con bướm trắng chỉ có 6 lần, con bướm gai 5 lần. Đó là lý do tại sao chúng bay trong hoàn toàn yên lặng.