Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Litva: EU “tiếp tay” gửi tiền cho Nga nhiều hơn viện trợ cho Ukraine

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Litva Linas Linkevicius đã bình luận về việc EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ bảy nhằm vào Nga là không quan trọng. Bởi ông cho rằng, các nước trong Liên minh Châu Âu đang đổ tiền cho Nga nhiều hơn số tiền viện trợ cho Ukraine.

Ông Linkevicius tweet:  

Gói biện pháp trừng phạt thứ bảy đang được chuẩn bị. Ai quan tâm? EU hiện đã chuyển tiền về các mặt hàng dầu, khí đốt và than đá cho Nga theo cấp số nhân so với số tiền mà họ đã viện trợ cho Ukraine. Giá dầu đang tăng. Đồng rúp thậm chí còn mạnh hơn…Thật đáng tiếc”. 

Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã phát biểu rằng, những thiệt hại trực tiếp của Liên minh châu Âu có thể lên tới 400 tỷ USD trong năm do các chính sách trừng phạt Nga, và người dân các quốc gia châu Âu đang phải gánh chịu.

Vào tháng 4, Bloomberg đưa tin rằng Nga thu được 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay khi giá dầu thế giới tăng cao kỷ lục.

Israel không kích Gaza ngay sau khi TT Biden rời Tel Aviv

Theo NBC, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Joe Biden rời Israel và khu Bờ Tây của Palestine để đến Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, quân đội Israel đã tấn công một địa điểm quân sự của Hamas ở Dải Gaza.

Cuộc tấn công này nhằm đáp trả vụ 3 quả rocket được bắn đi từ Dải Gaza ở Palestine sang Israel.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết: “Để đối phó với các cuộc tấn công từ Dải Gaza trên lãnh thổ Israel, IDF đang tiếp tục nhắm mục tiêu vào các địa điểm sản xuất vũ khí của Hamas ở Dải Gaza”.

Cụ thể IDF cho biết họ nhắm mục tiêu vào một cơ sở sản xuất tên lửa của Hamas nằm sâu dưới lòng đất.

“Địa điểm được nhắm mục tiêu là một trong những địa điểm lớn nhất và quan trọng nhất của các nhóm khủng bố để sản xuất vật liệu cơ bản cho tên lửa”, IDF nói thêm. 

Quân đội Israel xác nhận ít nhất có 2 quả rocket được bắn từ dải Gaza về phía thành phố Ashkelon ở miền nam Israel, trong khi một quả rocket khác đã rơi xuống một khu vực trống trải gần đó nên không ai bị thương.

Vụ phóng rocket của Hamas cho thấy lực lượng này đang cố gắng gửi thông điệp tới Tổng thống Biden. Phía Hamas cáo buộc Israel sử dụng chuyến thăm của ông Biden làm ‘vỏ bọc’ để tiến hành các cuộc không kích mới, theo Al Jazeera.

Người phát ngôn Hamas Fawzi Barhoum cho biết không phải ngẫu nhiên mà các cuộc không kích của Israel diễn ra ngay sau chuyến thăm Israel của Tổng thống Mỹ.

WTO, WB, IMF kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt

Theo Worldbank, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại sẽ làm dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tuyên bố có đoạn: “Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã dạy chúng ta rằng, việc áp đặt các hạn chế thương mại toàn cầu trực tiếp dẫn đến việc tăng giá lương thực. Việc loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và áp dụng các quy trình kiểm tra và cấp phép linh hoạt hơn sẽ giúp giảm thiểu gián đoạn nguồn cung và giảm giá.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng quốc tế, và những tác động từ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng thị trường lương thực, nhiên liệu và phân bón.

Cuộc xâm lược của Nga sẽ làm tăng giá thực phẩm trên toàn thế giới
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra tình trạng khủng hoảng lương thực trầm trọng. Nhiều quốc gia châu Phi đang bị đe dọa bởi an ninh lương thực. (ảnh chụp màn hình twenejonas).

Hiện có khoảng 345 triệu người ở 82 quốc gia đang có nguy cơ mất an ninh lương thực. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi có khoảng 25 quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực, ảnh hưởng đến hơn 8% thương mại lương thực toàn cầu, và giá phân bón đã tăng gấp đôi trong năm qua.

Cùng với việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại, tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra một giải pháp ngoại giao cho việc cung cấp ngũ cốc và phân bón của Ukraine, hiện đang bị phong tỏa do cuộc xung đột ở nước này. 

Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 6 cho biết, có tới 25 triệu tấn nông sản của Ukraine bị phong tỏa do khủng hoảng.

Kiev và các đồng minh phương Tây cáo buộc Nga ngăn cản việc đưa các sản phẩm này ra khỏi Ukraine, nhưng Moscow liên tục bác bỏ cáo buộc. 

Nga khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn. 

Ả Rập Xê-út tăng dầu không đáng kể, tuyên bố giá khí đốt cao là do Mỹ

Theo Breitbart, nhà ngoại giao hàng đầu của Ả Rập Xê Út có mặt tại cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman, phủ nhận ông Biden gây áp lực buộc Ả Rập Xê Út phải tăng sản lượng dầu. 

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir từ chối cam kết sản xuất thêm dầu, trong khi giải thích rằng giá khí đốt tại Mỹ cao là kết quả về các chính sách của Tổng thống Joe Biden.

Ông Al-Jubeir nói: “Vấn đề tăng giá xăng mà chúng ta đã thấy gần đây thực sự là một yếu tố địa chính trị và tâm lý học nhiều hơn là về cung /cầu cơ bản”. “Vấn đề xăng dầu ở Mỹ là nguyên nhân của việc thiếu công suất lọc dầu ở Mỹ hơn là sự thiếu hụt dầu thô thực tế”.

Trả lời câu hỏi rằng, liệu Ả Rập Xê Út đã sẵn sàng để tăng sản lượng dầu, ông Al-Jubeir cho biết: Nước này cam kết [đảm bảo] “sự ổn định của thị trường”, nhưng cần phải “xem xét các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu”, cũng như tham vấn các quốc gia trong khối OPEC và OPEC + “để đảm bảo rằng các thị trường cung cấp đầy đủ dầu thô”. 

Câu trả lời này cho thấy Ả Rập Xê Út sẽ không tăng đáng kể sản lượng dầu ra thị trường như Tổng thống Joe Biden kỳ vọng, để nhằm hạ nhiệt giá xăng ở Mỹ, châu Âu và trên thế giới.

Theo Foxbusiness, dữ liệu từ báo cáo năng lực lọc dầu của Mỹ dường như cũng xác nhận tuyên bố của ngoại trưởng al-Jubeir, về việc năng lực lọc dầu mới là yếu tố chính khiến giá khí đốt ở Mỹ tăng cao.

Công suất chưng cất dầu thô ở Mỹ đã giảm từ 19 triệu thùng /ngày vào đầu năm 2020 xuống còn 18,1 triệu thùng vào đầu năm 2021. Số liệu này đánh dấu lần giảm công suất nhà máy lọc dầu tại Mỹ đầu tiên kể từ năm 2017.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, 5 cơ sở lọc dầu tại Mỹ đã đóng cửa vào năm 2021. Bao gồm nhà máy lọc dầu Shell ở Convent, Louisiana, cũng như New Mexico, California, North Dakota và Wyoming.

Thái tử Mohammed bin Salman hôm 16/7 thông báo Ả Rập Xê út sẽ tăng sản lượng dầu từ 10 triệu thùng /ngày lên 13 triệu thùng.

Mỹ “thử nghiệm thành công” hai vũ khí siêu thanh

Theo Reuters, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công hai loại vũ khí siêu thanh khác nhau, do Không quân Mỹ (USAF) và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) công bố. 

Vũ khí siêu thanh được thiết kế để di chuyển trên thượng tầng khí quyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng  6.200 km/giờ), và vượt xa các lá chắn phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới. 

USAF đã báo cáo một cuộc thử nghiệm thành công đối với tên lửa đẩy Vũ khí phản ứng nhanh (ARRW), được phóng từ cánh của chiếc máy bay Boeing B-52 Stratofortress hôm 12/7, ở ngoài khơi bờ biển California.

Trong khi ấy, DARPA đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh thành công tại Dãy White Sands ở New Mexico. Vũ khí siêu thanh Operations Fires đã hoạt động như mong đợi, mặc dù DARPA cung cấp rất ít chi tiết về tốc độ, tầm bắn và liệu đầu đạn có tấn công trúng mục tiêu hay không.  

Không giống như ARRW phóng từ máy bay ném bom, Operational Fires là một hệ thống phóng từ mặt đất sẽ “tấn công nhanh chóng và chính xác các mục tiêu quan trọng, nhạy cảm với thời gian trong khi xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại của đối phương“.

Cả hai vụ thử thành công đều diễn ra sau khi thất bại trong chuyến bay thử nghiệm ngày 29/6 với một loại vũ khí siêu thanh khác, Common Hypersonic Glide Body, tại Cơ sở Tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii.

Mỹ được cho là tụt hậu trong cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh, khi Trung Quốc và Nga đã sở hữu những vũ khí có tốc độ phi thường này trước Mỹ khá lâu.

Nga thậm chí đã sử dụng tên lửa siêu thanh trong các cuộc tấn công chống lại Ukraine. Trong khi Trung Quốc đã phóng thử nghiệm một tên lửa siêu thanh, có khả năng bay vòng quanh Trái Đất trước khi tăng tốc nhắm đến mục tiêu vào năm 2021. 

Video: Máy bay hạ cánh khẩn cấp trên đường cao tốc, suýt gây thảm họa

Theo WLOS-TV, một phi công lái chiếc máy bay một động cơ đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên đường cao tốc ở Bắc Carolina (Mỹ). 

Được biết, phi công Vincent Fraser đang bay cùng bố vợ thì động cơ của máy bay bị trục trặc. Anh Fraser đã cố gắng khởi động lại máy bay, nhưng chỉ bay được khoảng 3-5 giây thì sau đó động cơ máy bay lại “chết lịm”. 

Anh Fraser kể lại: “Ơn Chúa, tôi nhìn sang bên trái chỉ toàn là thung lũng và núi, nhưng có một con đường… ở ngay đó”. Không chần chừ, Fraser đã cố gắng lái máy bay hướng về phía đường cao tốc để hạ cánh khẩn cấp.

Cảnh quay từ camera GoPro ở buồng lái cho thấy khả năng điều khiển máy bay hạ cánh của Fraser vô cùng điêu luyện.   

Cảnh sát trưởng Curtis Cochran thuộc Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Swain đã chia sẻ video trên Facebook của mình, và ca ngợi pha hạ cánh là “TUYỆT VỜI”.

Đoạn video cho thấy Fraser đã né tránh các đường dây điện, và cẩn thận tránh các phương tiện ô tô đang di chuyển trên đường cao tốc, khi anh điều khiển máy bay dừng lại mà không để xảy ra sự cố nào.

Cảnh sát trưởng Curtis Cochran bình luận: “Đây thật là một việc phi thường, và không có thương tích. Những sự cố kiểu này có thể gây tại nạn thảm khốc nhưng đã không xảy ra”.

Ông Curtis Cochran cho biết: “Phi công này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không chỉ hạ cánh an toàn trên đường cao tốc 4 làn đông đúc vào ngày nghỉ cuối tuần, mà anh ấy còn giữ bình tĩnh và điều khiển máy bay rời khỏi đường cao tốc đến điểm an toàn mà không gây cản trở giao thông”. 

Đáng ngạc nhiên là không có ai bị thương trong vụ hạ cánh khẩn cấp này và chiếc máy bay vẫn còn nguyên vẹn, và sau đó được một chiếc xe ô tô kéo đi. 

Có thể bạn quan tâm: