Qua bộ phim về thầy trò Ishaan, những thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng nhận ra một chân lí giản dị mà sâu sắc “Khoảng cách giữa thiên tài và người đần độn chỉ khác nhau ở người chỉ dẫn”. Một người thầy giỏi không chỉ có nhiều kiến thức uyên thâm mà chính là có bao nhiêu học trò thay đổi tốt lên mỗi ngày.

Một bộ phim giáo dục nhiều ý nghĩa

0304-24
Bộ phim Cậu bé đặc biệt mang nhiều ý nghĩa giáo dục (Ảnh chụp màn hình từ hddmvn.net).

Cậu bé đặc biệt (tiếng Hindi: Taare Zameen Par, tiếng Anh: Like Stars on Earth) là một bộ phim tâm lý – học đường Ấn Độ do Aamir Khan làm đạo diễn. Câu chuyện bắt đầu tại một trường cấp 1. Cậu bé Ishaan Awasthi, 8 tuổi, không thích trường học. Tất cả các bài kiểm tra đều khiến em sợ hãi. Đối với Ishaan, các bài toán đều rất khó và con chữ nhảy nhót trước mắt…em bị mắc chứng khó đọc viết.

Vì thế, Ishaan bị các giáo viên và các bạn học của mình coi là đồ ngu, đồ ngớ ngẩn, điên rồ, lười biếng… Ngay cả với gia đình, Ishaan cũng bị bố mẹ mắng nhiếc, chê trách. Cha của Ishaan là giám đốc điều hành thành công, luôn hy vọng con cái của ông sẽ vượt trội. Mẹ cậu là một bà nội trợ cũng rất thất vọng, bất lực trong việc giáo dục cậu con trai nhỏ.

Sau đó, em bị chuyển vào trường nội trú. Với kỉ luật và hình phạt hà khắc, em dần biến thành một đứa trẻ cô độc và trầm tính. Nhưng một thầy giáo môn hội họa dạy thay đã nhận ra, đồng cảm và giúp đứa bé “lười nhác, điên khùng, bét bảng” thành một vì sao lấp lánh…

Vào ngày nghỉ của mình, thầy giáo tới thăm cha mẹ Ishaan, nói chuyện về kết quả học tập của con trai họ và nguyên nhân có thể do chứng khó đọc. Thầy nhận ra trong các tác phẩm của Ishaan có một sự tinh tế hiếm thấy. Nhưng cha của Ishaan nghi ngờ những điều thầy giáo nói và cho rằng thật sự kết quả học tập của cậu bé kém là do cậu lười nhác và kém thông minh.

Cuối cùng, thầy giáo đến gặp hiệu trưởng xin được trở thành gia sư của Ishaan. Thầy cố gắng cải thiện khả năng đọc và viết của Ishaan bằng cách sử dụng các kỹ thuật khắc phục chứng khó đọc. Dần dần Ishaan đã quan tâm đến ngôn ngữ học, toán học và điểm số của cậu được cải thiện.

Đến cuối năm học, thầy giáo tổ chức một cuộc thi nghệ thuật cho toàn bộ giáo viên và học sinh. Cuộc thi được đánh giá bởi nghệ sĩ nổi tiếng. Và cuộc thi này, Ishaan đã giành chiến thắng với phong cách sáng tạo nổi bật của mình. Cả trường đã đứng dậy vỗ tay đầy ngưỡng mộ chúc mừng Ishaan. Thầy giáo Shankar, người vẽ chân dung Ishaan đã đoạt giải á quân.

Ngày bế giảng, khi cha mẹ Ishaan gặp thầy giáo, họ không nói nên lời bởi sự chuyển biến bất ngờ của Ishaan. Cha của Ishaan xúc động cảm ơn thầy giáo.

Đây là một bộ phim tuyệt vời về học đường nhưng tất cả những người lớn đều nên xem để nhìn lại cách giáo dục sai lệch của mình. Thành công của cậu bé khiếm khuyết đã gián tiếp phê phán cách giáo dục khiên cưỡng và sự thiếu quan tâm của gia đình, đó là yếu tố giết chết những tài năng tương lai.

Phim đã đoạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Filmfare 2008 và giải thưởng phim Quốc gia 2008 về Phúc lợi gia đình và nhiều giải khác. Phim đã từng được đề cử dự thi dành giải Oscar phim nước ngoài hay nhất.

Hơn cả sự trách mắng là những lời khích lệ, quan tâm

Trong bộ phim, thầy giáo trẻ Shankar được xây dựng thành biểu tượng đối lập với không khí ngột ngạt trong những nguyên tắc và hình phạt của ngôi trường nội trú, nơi cha mẹ đã gửi Ishaan đến học.

Ishaan, cậu bé chính là sản phẩm của nền giáo dục hà khắc khi những yêu thương được thay thế bằng sự nghiêm khắc của hình phạt. Trái tim bé bỏng của cậu bé đã trở nên vô cảm với thế giới xung quanh.

Thầy Shank với trái tim của người thầy giàu lòng trắc ẩn, bao dung đã chạm được đến trái tim đầy thương tổn của cậu bé mắc chứng khó đọc viết. Thầy đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự mặc cảm tự ti của cậu bé và nỗ lực bằng mọi cách có thể đưa cậu bé thoát khỏi cuộc sống u uất, chán nản của hiện tại.

Thực tế, có bao nhiêu thầy cô giáo đã làm được điều như thầy giáo Shankar? Chúng ta luôn mặc định trong đầu học trò “Trường học là nơi học tập và rèn luyện” nên phải có những quy tắc và hình phạt dành cho những ai vi phạm những nguyên tắc đó.

Câu nói đầy ấn tượng của thầy giáo “Ở đảo Solomon, nơi người ta muốn giết một cái cây, họ không cần dùng đến rìu để chặt, mà chỉ cần đứng xung quanh cái cây và chửi rủa nó. Và chắc chắn một thời gian sau, cái cây ấy tự khô héo đi mà chết” đã nhắc nhở chúng ta, khi ta sống thiếu đi sự yêu thương, quan tâm dành cho trẻ, có thể ta vô tình làm “khô héo” đi cả cuộc đời đứa trẻ đó.

Một người thầy vĩ đại là người biết truyền cảm hứng

5237-19
“Một chiếc bảng không thể chứa hết trí tưởng tượng và cảm hứng nơi trẻ nhỏ.” (Ảnh cắt từ indiatvnews.com)

Có ai đó từng nói “Một người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Điều ấy thật đúng với thầy giáo Thầy Shankar đã kể câu chuyện về những người nổi tiếng từng bị chứng khó đọc như Albert Einstein, Leonardo da Vinci, Thomas Edison… Sau đó, khi tất cả học sinh rời khỏi lớp học, thầy giáo bảo Ishaan ở lại và thổ lộ:

“Em có biết trong số những người mà thầy nhắc đến có một người mà thầy không nói không? Có thể tên của người đó chưa được ca tụng nhưng có cùng vấn đề với nhau. Cái tên đó là… Ram Shankar Nikumbh”.

Thầy giáo thừa nhận mình mắc chứng khó đọc khó viết và điều này gây bất ngờ cho Ishaan. Chỉ từ câu nói của thầy giáo đã là nguồn động lực để Ishaan tự tin vào bản than mình.

Thầy Shankar xuất hiện với sự vui vẻ, hài hước, đưa học trò thoát khỏi những tư duy chật hẹp thông thường trong trường học. Trong vai trò là một thầy giáo dạy vẽ, thầy không yêu cầu học trò vẽ một bức tranh theo hình khối và đường nét có sẵn. Bởi, thầy cho rằng “một chiếc bảng không thể chứa hết trí tưởng tượng và cảm hứng nơi trẻ nhỏ.”

Đôi khi, người lớn chúng ta tiết kiệm những lời quan tâm dành cho trẻ nhỏ. Thậm chí, chúng ta cứ mong muốn chúng làm mọi việc theo kế hoạch người lớn đã vạch sẵn và cho rằng như vậy mới là sự lựa chọn tốt nhất. Thật ra, đứa trẻ có thể làm mợi thứ tốt hơn nếu chúng ta biết cách truyền cảm hứng, truyền động lực cho trẻ.

Hơn cả một người thầy là một người cha bao dung và độ lượng

Thầy Shankar chưa hề kết hôn, vì thế thầy chưa có những đứa con riêng của mình để có những trải nghiệm thực tế. Thế nhưng, thầy đã yêu thương theo cách riêng của mình với những đứa trẻ khuyết tật.

Chúng ta thường cho rằng, những đứa trẻ khuyết tật không đáng được nhận sự kì vọng và được giáo dục như những đứa trẻ lành lặn khác. Vì thế, cơ hội được trở thành thiên tài thuộc về những đứa trẻ lành lặn kiệt xuất.

Thầy Shankar trong bộ phim đã trao cơ hội đồng đều cho tất cả các em. Và cậu bé Ishaan, đã trở thành một cậu bé thiên tài vẽ tranh mặc dù bản thân em có những nét chưa hoàn thiện. Có lẽ khoảng cách giữa thiên tài và người đần độn chỉ là người chỉ dẫn.

Mỗi khi học trò làm việc gì không theo ý ta, thầy cô sẽ cho rằng đó là đứa trẻ hư, khó giáo dục. Thế nhưng, chúng ta có biết rằng, mình cũng từng lớn lên từ một đứa trẻ như thế. Cho nên, hãy đối xử với trẻ với tư cách là một người cha, người mẹ của chúng, ta sẽ đủ bao dung, độ lượng để khiến một đứa trẻ trở nên biết nghe lời.

Một người bạn biết lắng nghe và thấu hiểu

5729-21
Thầy hạ bản thân mình xuống trong vai trò của người học để có thể thấu hiểu suy nghĩ của học trò. (Ảnh từ vidieo bộ phim).

Thầy giáo trong bộ phim Cậu bé đặc biệt đến từ một ngôi trường có nhiều trẻ khuyết tật, nhưng thầy chưa bao giờ cảm thấy dạy trẻ thiểu năng là một gánh nặng của mình. Thầy hạ bản thân mình xuống trong vai trò của người học để có thể thấu hiểu suy nghĩ của học trò.

Mỗi giờ học, hay mỗi giờ ra chơi thầy thường đùa vui với chúng không khác gì những đứa trẻ với nhau. Chỉ có như thế, thầy mới cảm nhận rõ và hiểu được thế giới của Ishaan và những đứa trẻ khuyết tật.

Đôi khi, chúng ta ngụy biện rằng, muốn dạy dỗ được học trò cần có khoảng cách và cái uy của người thầy mà quên rằng chỉ cần chạm vào trái tim của trẻ, để trở nên biết lắng nghe và thấu hiểu, đứa trẻ tự khắc sẽ coi thầy cô, cha mẹ giống như một người bạn để giãi bày.

Bộ phim về cậu bé Ishaan để để lại nhiều thông điệp cho mỗi người. Đặc biệt là những thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng. Một thầy giáo giỏi không phải chỉ là một người có nhiều kiến thức uyên thâm mà chính là có bao nhiêu học trò vì mình mà thay đổi tốt lên mỗi ngày.

Ai cũng đều có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Điều quan trọng là biết cách tôn trọng những sự khác biệt ấy để giúp những người xung quanh, đặc biệt là con trẻ phát huy tối đa những điểm tốt của mình.