Sau những năm khoan dầu phi pháp ở Biển Đông, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã lọt vào danh sách đen của chính quyền Trump; và khả năng sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Trump đang có kế hoạch bổ sung 4 công ty Trung Quốc vào danh sách đen bị cấm đầu tư của Mỹ.

Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm này vào ngày 12/11; trong đó không cho phép các cá nhân và thực thể Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát.

Một trong 4 công ty mới bị bổ sung vào danh sách đen là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 – Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Lệnh cấm yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ hiện nay của CNOOC cũng như các công ty khác trong danh sách đen phải thoái vốn.

Công ty Trung Quốc lọt vào danh sách đen vì khoan dầu ở Biển Đông

Bloomberg trích dẫn ý kiến của Lin Boqiang, chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn ở miền nam Trung Quốc; cho rằng CNOOC bị đưa vào danh sách đen của Mỹ vì hoạt động khoan dầu ở Biển Đông.

“Tôi đoán CNOOC bị nhắm mục tiêu; chứ không phải CNPC (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc) hay Sinopec (Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc); là vì hoạt động khoan dầu của họ ở Biển Đông; Mỹ coi đó là hoạt động quân sự”, Lin cho biết.

Các khu vực mà CNOOC, công ty Trung Quốc khoan dầu ở Biển Đông (màu xanh và màu cam). Ảnh từ Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (PIIE).
Các khu vực mà CNOOC, công ty Trung Quốc khoan dầu ở Biển Đông (màu xanh và màu cam). Ảnh từ Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (PIIE).

Bloomberg cho biết, CNOOC đã trở thành tiêu điểm của các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông kể từ năm 2012; khi họ mời các nhà khoan dầu nước ngoài khám phá các lô dầu ở ngoài khơi Việt Nam (phần màu cam trong ảnh trên, theo PIIE).

Trong khi đó, Hà Nội đã có thỏa thuận khai thác khu vực này cùng với các công ty gồm Exxon Mobil và OAO Gazprom.

CNOOC bị ảnh hưởng tiêu cực vì lọt vào danh sách đen

“Điều đó sẽ khá tiêu cực đối với CNOOC vì nó có khá nhiều đối tác Mỹ trong các dự án dọc theo Vịnh Bột Hải cũng như ở Biển Đông”, Lin nói với Bloomberg qua điện thoại.

Theo Bloomberg: “CNOOC cũng sở hữu các mỏ dầu và khí đốt của Hoa Kỳ, hợp tác với các công ty (Mỹ) như Exxon Mobil Corp trong các dự án quốc tế; và sử dụng công nghệ và thiết bị của Mỹ”.

Hãng tin này trích dẫn ý kiến của Sengyick Tee, một nhà phân tích của SIA Energy ở Bắc Kinh; cho biết bất kỳ gián đoạn nào xảy ra đối với các mối quan hệ đó đều sẽ có “tác động lớn” đến CNOOC.

Chính quyền Trump có thể biến danh sách đen thành lệnh trừng phạt

Các nhà phân tích cho rằng danh sách đen của Mỹ có thể leo thang thành lệnh trừng phạt. CNOOC đã có động thái chuẩn bị nhằm giảm thiểu các rủi ro chính trị từ nguy cơ này.

Bloomberg trích ý kiến của các nhà phân tích của Daiwa Capital Markets; cho rằng CNOOC đã có động thái phòng vệ vào tháng 10; bằng việc sửa đổi quy định để cho phép đơn vị niêm yết chuyển tài sản cho công ty mẹ của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng đề nghị chính quyền Trump không trừng phạt các công ty Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (ảnh: Wikimedia Commons).

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh tuyên bố hôm 30/11: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ; thay vì kéo dài tư tưởng về an ninh quốc gia và áp đặt các biện pháp trừng phạt hay phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc”.

Chính quyền Trump chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

Chính quyền Tổng thống Trump gần đây gia tăng các động thái chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào tháng 7/2020, Washington chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh.

Tháng 8, chính quyền Trump trừng phạt 24 công ty giúp Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Tháng 9, chính quyền Trump lên án “những lời hứa rỗng tuếch của Trung Quốc ở Biển Đông“. Khi thăm Mỹ năm 2015, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với Tổng thống Obama rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông.

Thực tế là Trung Quốc không ngừng bành trướng lãnh thổ và củng cố các tiền đồn quân sự ở Biển Đông; trong khi chính quyền Obama-Biden ngăn cản hải quân Mỹ tuần tra khu vực để tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.

Tháng 11, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền ở Biển Đông trước mối đe dọa từ Trung Quốc.

Ông O’Brien cho biết: “Phát biểu nhất quán của tôi ở Việt Nam và Philippines – và tôi nghĩ phát biểu này đã gây được tiếng vang với giới lãnh đạo ở cả hai nước – đó là quyền đánh bắt hải sản, quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác dầu khí trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN là thuộc về các thế hệ con cháu của các quốc gia đó”.