Ấn Độ có thể sớm trao cho Việt Nam tên lửa siêu thanh BrahMos. “Vũ khí” này có thể làm xói mòn lợi thế hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại vì độ chính xác và ưu việt của tên lửa này; Trung Quốc không thể chặn phá nó.

Đó là nhận định của tờ Asia Times ngày 27/12. Thủ tướng Ấn Độ và Việt Nam đã hội đàm trực tuyến hôm 21/12. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí xây dựng tầm nhìn chung vì hòa bình và thịnh vượng; trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Thủ tướng Modi và Thủ tướng Phúc nhất trí rộng rãi về việc tăng cường hợp tác quốc phòng. Điều này đánh dấu sự thúc đẩy mới nhất đối với “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” được hình thành vào năm 2016.

Tuy nhiệu, câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa siêu thanh đất – đối – đất BrahMos hay không? Theo Asia Times, đây là một vũ khí có thể thay đổi quyền lực và làm xói mòn lợi thế hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc không thể chặn được tên lửa BrahMos

Để ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc, các nước như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines, đã tìm kiếm tên lửa hành trình tầm trung ramjet. Thiết bị này có thể phóng từ tàu ngầm, tàu thủy, máy bay chiến đấu hoặc đất liền, và được biết đến là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới.

Nga là đồng minh chiến lược lâu dài của Ấn Độ; hai nước đã cùng phát triển BrahMos. Tên lửa này có thể mang theo 300 kg đầu đạn hạt nhân và hạt nhân thông thường. Nó di chuyển với tốc gấp ba lần tốc độ âm thanh. Do đó, bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Trung Quốc cũng không thể chặn đánh được nó, theo Asia Times. Độ chính xác có thể gây chết người đối với hầu hết các mục tiêu trên biển, bao gồm cả tàu sân bay của Trung Quốc.

Việt Nam có thể mua tên lửa từ Ấn độ
Asia Times cho rằng tên lửa BrahMos của Ấn Độ có thể mang lại lợi thế cho Việt Nam ở Biển Đông trước mối đe dọa từ Trung Quốc (ảnh: Twitter).

Asia Times cho biết, đến nay, Ấn Độ đã hạn chế bán tên lửa cho Việt Nam; không rõ vì lý do gì. Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc giao BrahMos cho các nước thuộc khu vực tranh chấp Biển Đông là một lằn ranh đỏ chiến lược. Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cảnh báo New Delhi không nên can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông.

Năm 2018, tờ báo Hoàn Cầu (trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc) nói rằng các cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam ở Biển Đông là “bàn đạp” để Ấn Độ “mở rộng ảnh hưởng từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương”. Tờ báo này cho rằng Ấn Độ đang đào tạo phi công Việt Nam vận hành máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 và tên lửa BrahMos.

Bản nâng cấp của tên lửa BrahMos “lấy Trung Quốc làm trung tâm”

Tờ Asia Times nhận định, giờ đây do căng thẳng biên giới dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc. New Delhi cuối cùng có thể bán BrahMos cho Hà Nội. Điều này có thể đánh lạc hướng chiến lược của Bắc Kinh ra khỏi dãy Himalaya.

Khi Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp tại Ladakh; thì các phiên bản nâng cấp của BrahMos cũng có khả năng phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự ở các địa hình núi khuất. Vì lý do này, một số chuyên gia quân sự đã mô tả phiên bản biến thể 3 của BrahMos là “lấy Trung Quốc làm trung tâm”.

Ấn Độ đã bố trí các phi đội Sukhoi Su-30 mang BrahMos tại các vị trí thuận lợi ở miền bắc Ấn Độ. Nó có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Pakistan và Trung Quốc trong bối cảnh Ladakh bế tắc. Ấn Độ cũng đã tăng tần suất bắn thử các biến thể mới của BrahMos. Đây có thể là để gửi tín hiệu cảnh báo tới Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng các nguyên thủ quốc gia tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ngày 24/6/2016 (ảnh: Điện Kremlin/Wikimedia Commons).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng các nguyên thủ quốc gia tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ngày 24/6/2016 (ảnh: Điện Kremlin/Wikimedia Commons).

Sự chính xác và ưu việt khiến BrahMos trở thành một “vũ khí” nằm trong ranh giới đỏ cho các đối thủ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần 90% vùng biển và đang có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Đài Loan.

Trung Quốc lo ngại nếu Việt Nam mua tên lửa BrahMos

Trung Quốc có lý do đặc biệt để lo ngại về việc Việt Nam mua BrahMos, theo Asia Times. Vào năm 2019, Ấn Độ đã nâng cấp tên lửa BrahMos để tấn công các mục tiêu được bảo vệ với độ chính xác chính xác ở cự ly 650 km. Ấn Độ và Nga hiện đang cùng nhau phát triển để mở rộng tầm bắn của nó lên 800 km với tầm nhìn xa hơn là 1.500 km.

Việt Nam, với 1.650 km bờ biển hướng ra Biển Đông và 1.300 km biên giới trên bộ với Trung Quốc. Tờ báo nhận định, nước này chắc chắn sẽ tìm cách chĩa tên lửa về hướng Trung Quốc.
Sáu thành phố hàng đầu của Trung Quốc – Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, Đông Quan và Vũ Hán – sẽ nằm trong phạm vi 1.500 km của bất kỳ căn cứ đất liền nào ở Việt Nam. Thượng Hải cách các cơ sở quân sự cực bắc của Việt Nam khoảng 1.900 km, trong khi Bắc Kinh và Thiên Tân cách đó hơn 2.300 km.

Việt Nam đã có hạn mức tín dụng 500 triệu USD để mua thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ, bao gồm cả BrahMos. Theo đó, Ấn Độ hiện đang thực hiện thỏa thuận trị giá 100 triệu USD cho 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam. Các tàu này được cho là đang được đóng cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam để tăng cường an ninh ven biển đối với Trung Quốc.

Một số chuyên gia quân sự cho biết, dự kiến một thỏa thuận về BrahMos sẽ được công bố sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Modi và Thủ tướng Phúc. Tuy nhiên, việc mua bán sẽ không được tuyên bố công khai. Một số nhà ngoại giao cho rằng, Ấn Độ có thể đang sử dụng vụ bán tên lửa BrahMos bí mật như một con bài để đàm phán yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Ladakh.

Nga, Ấn bất đầu xuất khẩu tên lửa BrahMos nhằm vô hiệu hóa sự hung hăng của Trung Quốc

Asia Times cho rằng Nga đã thẳng thắn hơn về ý định bán BrahMos cho các đồng minh. Ngày 12/11, Phó trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Nga ở New Delhi, Roman Babushkin, cho biết Nga và Ấn Độ đang có kế hoạch tăng tầm bắn của tên lửa; và bắt đầu xuất khẩu sang các nước thứ ba, đầu tiên là Philippines.

Malina cũng phải đối mặt với những thách thức của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong khi Nga sẵn sàng bán BrahMos cho Philippines, nhưng Philippines lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng.

Nga đã không né tránh việc hỗ trợ các đồng minh như Ấn Độ bằng những vũ khí quan trọng như hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph; được coi là hiệu quả nhất thuộc loại của nó.
Ấn Độ công khai cam kết giúp Việt Nam nâng cấp lực lượng quốc phòng.

Lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và Việt Nam đã tương tác trong những tháng gần đây; khi Ấn Độ tìm kiếm các đồng minh trên khắp châu Á nhằm vô hiệu hóa sự hung hăng của Trung Quốc. Ngày 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước đã có cuộc gặp gỡ. Trước đó, ngày 25/8 Bộ trưởng ngoại giao hai nước cũng đã có cuộc gặp gỡ nằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao nhất cấp nhà nước của 2 vị thủ tướng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Rajnath Singh đã công khai cam kết giúp Việt Nam nâng cấp lực lượng quốc phòng. Ngoài BrahMos, Việt Nam cũng đang tìm cách mua tên lửa đất – đối – không Akash và trực thăng Dhruv của Ấn Độ.

Những năm gần đây, hợp tác hàng hải song phương cũng đã phát triển giữa hai nước. Việt Nam đã cho phép Hải quân Ấn Độ tiếp cận cảng quốc tế Cam Ranh (Nha Trang) năm 2019. Asia Times cho biết, giới quan sát suy đoán rằng, nếu Việt – Ấn đạt được thỏa thuận mua bán tên lửa, thì Cam Ranh sẽ là nơi Ấn Độ bàn giao chiếc tên lửa đầu tiên cho VIệt Nam.